Nhiều bất cập trong kiểm định an toàn phương tiện giao thông

Đã đăng vào 10/10/2019 lúc 11:02

Theo kết luận thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại 18 tỉnh, thành phố vừa qua đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong khâu giám sát an toàn của phương tiện giao thông ngay từ khâu kiểm định.

Kiểm định an toàn phương tiện giao thông. Ảnh: ĐT

Quản lý lỏng lẻo

Theo Thanh tra Bộ GTVT, qua kiểm tra tại 29 cơ sở đăng kiểm của 18 địa phương là: Phú Thọ, Hoà Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2019, đã có trên 400.000 lượt phương tiện được kiểm định. Nhưng nhiều bất cập, vi phạm đã bỏ qua và được đoàn thanh tra vào cuộc phát hiện.

Nhiều đơn vị đăng kiểm chưa ghi chép hoặc ghi chưa đúng, chưa đầy đủ thông tin trong sổ quản lý thiết bị, dụng cụ kiểm định theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cụ thể như trung tâm 2102D (Yên Bái), 2401D (Lào Cai), 2801S (Hoà Bình), 4701D (Đắk Lắk)… Cùng đó, các trung tâm 1901V (Phú Thọ), 2101S (Yên Bái), 2601D (Sơn La), 7201S (Bà Rịa – Vũng Tàu), 8104D (Gia Lai)… có camera giám sát hoạt động kiểm định phương tiện không bao quát hết các vị trí, công đoạn kiểm tra phương tiện trên dây chuyền kiểm định hoặc hình ảnh giám sát hoạt động kiểm định phương tiện trên dây chuyền hoặc tại một số công đoạn mờ, không rõ nét. Thậm chí tại một số trung tâm bình chữa cháy hết hạn sử dụng hoặc đã bị hư hỏng. Về điều kiện, tiêu chuẩn đăng kiểm, nhân viên nghiệp vụ cũng bộc lộ bất cập tương tự. Đặc biệt, Trung tâm 4703D, 4704D của Đắk Lắk không bố trí đủ số lượng đăng kiểm viên, thực hiện kiểm tra phương tiện trên dây chuyền kiểm định.

Liên quan đến nội dung kiểm định xe cơ giới đường bộ, thay vì kiểm định đúng số lượng xe yêu cầu, tại các trung tâm như 1901V (Phú Thọ), 4302S (Đà Nẵng) lại thực hiện kiểm định phương tiện trong một số ngày vượt quá số lượng phương tiện được phép kiểm định.

Cùng đó, trung tâm 2101S (Yên Bái), 2201S (Tuyên Quang), 2401D (Lào Cai), 4301S (Đà Nẵng)… có đăng kiểm viên không thực hiện đúng nội dung, phương pháp kiểm định khi kiểm tra công đoạn 1 hoặc công đoạn 5 đối với một số phương tiện theo quy định; các trung tâm 4703D, 4704D thể hiện tên dây chuyền kiểm định trong phiếu kiểm định không đúng với thực tế kiểm tra phương tiện trên chuyền kiểm định. Đáng chú ý hơn nữa, các trung tâm 4801D (Đắk Nông), 7902S (Khánh Hoà) có một số xe có hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng nhưng đăng kiểm viên không ghi nhận, truyền kết quả về máy chủ và phụ trách dây chuyền không ghi thông báo hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng cho chủ xe theo quy định mà lại thực hiện thông báo trực tiếp cho lái xe. Ngay cả khâu cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, ở các trung tâm 1902D (Phú Thọ), 2602D (Sơn La), 2801S (Hoà Bình), 2201S (Tuyên Quang)… hồ sơ nghiệm thu phương tiện chưa đúng quy định như biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo thiếu chữ ký của đại diện đơn vị thi công hoặc lập chưa đúng mẫu hoặc hồ sơ nghiệm thu thiếu văn bản đề nghị nghiệm thu, biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo hoặc nghiệm thu khi phương tiện chưa đăng ký biển số.

Đình chỉ hàng loạt đăng kiểm viên

Trước những bất cập nêu trên, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định đối với 12 đăng kiểm viên do không tuân thủ đúng quy định, quy trình. Xử lý vi phạm đối với Trung tâm 7201S và trung tâm 7901S do có 2 đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ hoạt động kiểm định.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số Trung tâm chưa quan tâm đến công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ trong hoạt động đăng kiểm; một số đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập không thực hiện đúng các nội dung, phương pháp kiểm tra phương tiện và các quy định về thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên. Để xảy ra tồn tại nêu trên, đặc biệt là các tồn tại về kiểm tra phương tiện của đăng kiểm viên, thực tập kiểm tra phương tiện của đăng kiểm viên thực tập, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo đơn vị đăng kiểm, phụ trách dây chuyền kiểm định và đăng kiểm viên.

Đại diện Bộ GTVT cũng yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót trong công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được nêu cụ thể trong biên bản thanh tra như điều chỉnh hoặc thay thế, trang bị thêm camera giám sát hoạt động kiểm định xe cơ giới để bao quát đầy đủ hình ảnh kiểm tra phương tiện trên dây chuyền; phân công phụ trách dây chuyền kiểm định theo đúng quy định; thể hiện tên dây chuyền kiểm định trong phiếu kiểm định đúng với thực tế kiểm tra phương tiện; lưu trữ hình ảnh kiểm tra phương tiện trên dây chuyền kiểm định đảm bảo thời gian theo quy định; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm định của các đăng kiểm viên, đảm bảo các đăng kiểm viên thực hiện theo đúng nhiệm vụ được phân công… Báo cáo kết quả khắc phục trên của các cơ quan đơn vị đăng kiểm liên quan phải được gửi về Bộ GTVT trước ngày 30.10.2019.

MINH HẠNH

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158