Nhiều hình thức chia sẻ khó khăn với nông dân Hải Dương

Đã đăng vào 22/02/2021 lúc 10:30

Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nông sản của bà con nông dân tại tỉnh có dịch như Hải Dương đã đến vụ thu hoạch nhưng không thể bán như mọi năm do đang phải thực hiện giãn cách xã hội. Trước tình hình trên, nhiều mạnh thường quân đã đứng ra thu mua nông sản của những người dân vùng dịch mang về Hà Nội bán với giá rẻ hoặc phát miễn phí.

Người dân Thủ đô nườm nượp đến "giải cứu" nông sản cho Hải Dương trên đường Giải Phóng (Hà Nội) ngày 21.2. Ảnh: V.Đ

Hải Dương trong những ngày giãn cách xã hội

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 21.2, dọc theo Quốc lộ 5 trên địa phận tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương, các đơn vị chức năng của huyện Cẩm Giàng đã tiến hành phong tỏa các cửa ngõ, lối ra vào tiếp giáp với đường quốc lộ. Cụ thể, tại khu vực ngã tư phố Ghẽ (xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng), các lực lượng liên ngành gồm công an, dân phòng, y tế, tổ dân phố… đã tiến hành dựng lều dã chiến, trạm kiểm soát tại các ngã ba, ngã tư để kiểm tra nghiêm ngặt người ra vào.

Đối với những phương tiện vận chuyển hàng hóa ra vào địa phương đều phải có giấy chứng nhận, đơn hàng cụ thể như nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng… các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định. Ngoài ra, các lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có Giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian gần nhất.

Ông Bùi Văn Oanh – cán bộ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phố Ghẽ, gần UBND xã Tân Trường (sát Quốc lộ 5) – cho biết, hàng hóa dù đưa ra bên ngoài chốt hay nhận vào bên trong địa phận xã đều được lực lượng y tế túc trực tại trạm kiểm soát phun khử trùng theo quy định. Còn trên các tuyến đường thuộc địa bàn xã, mỗi ngày các cán bộ thuộc Quân khu 3 sẽ đi phun khử khuẩn theo những khung giờ khác nhau, tùy theo điều kiện thời tiết để đảm bảo hiệu quả tối đa công tác phòng chống dịch. Do người dân không ai được ra vào, trừ những trường hợp được phép nên toàn bộ nhu yếu phẩm của người dân khi cần đều được bộ phận phụ trách thực phẩm cung ứng từ bên ngoài vào đầy đủ.

Các cán bộ tại trạm kiểm soát phòng chống dịch chia sẻ, một ngày các lực lượng liên ngành sẽ chia làm 3 ca, đảm bảo việc chốt trực 24/24h.

Theo ông Nguyễn Văn Soái – cán bộ đang trực tại chốt phố Ghẽ, việc đi lại trong khu vực đang phong tỏa cũng được kiểm soát rất kỹ. Do xã Tân Trường chủ yếu nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp nên không có nông sản ứ đọng. Chính vì vậy, nhiều loại nông sản sẽ được vận chuyển từ nơi khác tới, thậm chí có những đơn vị từ nơi khác chở hàng hoá, thực phẩm đến ủng hộ người dân.

“Đối với xe lưu thông hàng hóa phải chấp hành và đáp ứng đủ điều kiện theo các quy định của tỉnh đã ban hành" – ông Soái chia sẻ thêm.

"'Giải cứu" nông sản cho Hải Dương

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hải Dương phải thực hiện giãn cách xã hội làm cho việc lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản gặp khó khăn. Để chia sẻ với nông dân, các cá nhân, tổ chức ở nhiều nơi đã chung tay giúp đỡ.

Tại Hà Nội, một số điểm giải cứu nông sản đã xuất hiện trong 2 ngày gần đây. Điểm được biết đến nhiều nhất nằm trên đường Giải Phóng. Ngày 21.2, hàng trăm người dân Thủ đô đã đến số 38 đường Giải Phóng với mục đích giải cứu hàng chục tấn nông sản, rau củ quả cho người dân Hải Dương và được mua sản phẩm với giá rẻ bất ngờ. Ổi Thanh Hà chỉ 50.000 đồng/10kg, su hào 40.000 đồng/20 củ, bắp cải 18.000 đồng/5kg, cà rốt 70.000 đồng/10kg hay 80 nghìn đồng 1 thùng cà chua… Tất cả mặt hàng đều có giấy xác nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Có mặt tại phố Ghẽ, xã Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương (Quốc lộ 5), phóng viên đã gặp được nhóm thiện nguyện là người dân tỉnh Hải Dương cùng nhau góp tiền đi mua nông sản của bà con nông dân trong tỉnh rồi mang tới ủng hộ cho những người đang phải cách ly tại xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng. Trao đổi với Báo Lao Động, anh Nguyễn Trọng Hoan (xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cho hay, từ ngày 20.2, anh và một nhóm người khác đã tự bỏ tiền ra mua nông sản của người dân trong huyện và thuê xe chở đến các khu khác không có để phân phát miễn phí cho bà con. Trong 2 ngày, nhóm anh đã phát được gần 20 tấn rau bắp cải, su hào đến cho người dân huyện Cẩm Giàng.

Theo anh Hoan, do nông sản không thể tiêu thụ được nên tại ruộng các thương lái chỉ trả cho người dân 500 đồng/1 chiếc bắp cải hoặc 1 củ su hào. Để người dân không bị ảnh hưởng, nhóm của anh đã trả cho người dân 2.000 đồng/chiếc bắp cải. Chi phí này được người dân tính toán không lỗ so với chi phí bỏ ra từ cây giống đến phân bón. Để được vận chuyển nông sản đi một số nơi trong tỉnh, toàn bộ những người tham gia đều có kết quả xét nghiệm âm tính và có giấy chứng nhận hàng hóa. Anh Hoan và nhóm bạn sẽ cố gắng thực hiện công việc này trong nhiều ngày tới để giúp đỡ người dân trồng nông sản và người dân đang trong các khu bị phong tỏa.

XUÂN HẢI – ĐỨC ĐÔNG

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158