Nhiều nơi ở Việt Nam sắp có tuyết rơi, băng giá

Đã đăng vào 30/12/2020 lúc 11:12

Theo các chuyên gia về thời tiết, từ đêm nay đến ngày mai và trong dịp Tết Dương lịch, nhiều nơi ở miền Bắc nước ta như đỉnh Fansipan, Ô Quy Hồ (Sa Pa – Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), Nguyên Bình (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… có thể xuất hiện băng hoặc tuyết rơi do đợt lạnh giá kỷ lục sắp xuất hiện. 

Hình ảnh dự báo không khí lạnh sẽ làm nhiều nơi xảy ra băng giá đăng trên website của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia sáng 30-12

Từ nửa đêm về sáng nay 30-12, gió mùa Đông Bắc đã về tới Hà Nội. Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, sáng nay, bộ phận không khí lạnh rất mạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh ở Đông Bắc của Bắc bộ. Trên vịnh Bắc bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9 (ngang áp thấp nhiệt đới).
     
Dự báo trong ngày hôm nay (30-12), bộ phận không khí lạnh rất mạnh này sẽ ảnh hưởng đến Tây Bắc của Bắc bộ và Bắc Trung bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. 

Từ hôm nay (30-12), Bắc bộ, Bắc Trung bộ trời chuyển rét đậm, rét hại (trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái) với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 6-9 độ C, vùng núi 3-6 độ C, vùng núi cao dưới 0 độ C và có khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối. 

Ở các tỉnh thuộc Trung Trung bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ C. Các tỉnh ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên trời chuyển lạnh, có nơi chuyển rét. 

Từ ngày 31-12, ở Nam bộ trời chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các sóng không khí lạnh đang lan dần về phía Nam nước ta. Họa đồ đưa ra sáng nay 30-12

Sáng nay 30-12, trang thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cũng nhấn mạnh vào chữ “rất mạnh” khi dự báo tuyết, băng giá sẽ xuất hiện trong đợt rét đậm, rét hại bao trùm này.  

Còn theo chuyên gia khí tượng Lê Thanh Hải, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng – thủy văn, các trạm quan trắc áp suất khí quyển tại trung tâm của áp cao lạnh Siberia đạt mức cao lịch sử chưa từng được ghi lại. Thông thường, từ áp cao lạnh này, giá rét lan toả đến hầu hết các khu vực khác ở Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á.

Vì vậy, theo ông Lê Thanh Hải, Việt Nam sẽ xuất hiện một đợt rét đậm, rét hại được dự báo là mạnh và sâu nhất kể từ tháng 1-2016. 

Theo các dữ liệu quan trắc vào tháng 1-2016, 40 địa điểm ở miền Bắc và miền Trung của nước ta đã ghi nhận có tuyết rơi, có nơi rất hiếm khi thấy tuyết như đỉnh Ba Vì của Hà Nội hay rừng quốc gia Vụ Quang ở Hà Tĩnh.

Khẳng định đây là đợt rét ở mức vài năm mới có một lần, song ông Lê Thanh Hải đưa ra nhận định: “Tin tốt là đợt rét lần này sẽ khô hơn, có nắng hanh vào ban ngày, ít khả năng có tuyết rơi, nhưng nhiều nơi ở vùng núi sẽ có băng giá, sương muối và các cực tiểu nhiệt độ không khí của mùa đông năm nay sẽ xảy ra vào mấy đêm nghỉ Tết Dương lịch. Và quan trọng nhất là đợt rét hại này không kéo dài”.

VĂN PHÚC

Xem bản gốc báo SGGP Online tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158