Ông Đinh La Thăng: “Không thể bắt tôi chịu trách nhiệm hình sự”

Đã đăng vào 17/12/2020 lúc 15:00

Ngày 17-12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm trong chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương tiếp tục phần thẩm vấn. Các luật sư tham gia thẩm vấn các bị cáo để làm rõ hành vi vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong việc triển khai thực hiện bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương.

 

Bị cáo Đinh La Thăng (hàng đầu, thứ 4 từ trái qua) cùng các đồng phạm tại phiên tòa

725 tỷ đồng chênh lệch là tiền gì?

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Dương Thị Trâm Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) xác nhận tại cơ quan điều tra đã khai rằng, ban đầu có 6 đơn vị tham khảo hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương. Nhưng sau đó 4 đơn vị không nộp đơn tham gia đấu giá là do giá khởi điểm cao, chỉ còn 2 đơn vị nộp đơn (là 2 công ty do bị cáo Đinh Ngọc Hệ thành lập, điều hành).

Luật sư đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh nói về giá trị Hợp đồng mua bán quyền thu phí được ký giữa Tổng Công ty Cửu Long và Công ty Yên Khánh. Đại diện công ty trình bày, theo hợp đồng, giá bán quyền thu phí trong thời hạn 5 năm (kể từ 0 giờ ngày 1-1-2014 và kết thúc vào lúc 0 giờ ngày 1-1-2019) là 2.004 tỷ đồng (giá làm tròn). Nghĩa là trong 5 năm, Công ty Yên Khánh thu phí được trên 2.004 tỷ đồng thì công ty hưởng khoản chênh lệch, nếu thu dưới 2.004 tỷ đồng thì công ty phải chịu khoản lỗ này. Từ đó, đại diện Công ty Yên Khánh cho rằng, khoản tiền 725 tỷ đồng (khoản tiền chênh lệch giữa doanh thu thu phí thực tế với doanh thu sau khi Đinh Ngọc Hệ can thiệp điều chỉnh) là doanh thu thu phí, nghĩa là tài sản của Công ty Yên Khánh chứ không phải là số tiền các bị cáo chiếm đoạt, làm thất thoát tài sản nhà nước như cáo trạng quy kết.

Tương tự, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho rằng, số tiền thu được trong việc thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương là của Công ty Yên Khánh. Ngoài số tiền 2.004 tỷ đồng, Công ty Yên Khánh không phải nộp khoản tiền nào khác cho nhà nước. “Số tiền 725 tỷ đồng có nguồn gốc từ việc thu phí đường cao tốc. Đó là tiền của tôi, không việc gì tôi phải chiếm đoạt”, bị cáo trả lời khi được hỏi về cáo buộc bị cáo và các đồng phạm chiếm đoạt số tiền này.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ cũng tiếp tục khẳng định, cho đến khi vụ án bị khởi tố thì bị cáo mới biết có việc can thiệp phần mềm để điều chỉnh doanh thu thu phí.

Phủ nhận sự can thiệp, giới thiệu tham gia đấu giá

Theo cáo trạng, xuất phát từ động cơ cá nhân, bị cáo Đinh La Thăng đã gọi điện thoại trực tiếp cho bị cáo Dương Tuấn Minh (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long) để giới thiệu đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ vào tiếp cận Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, sau đó tạo điều kiện cho công ty của Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá quyền thu phí.

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Đinh Ngọc Hệ nhiều lần phủ nhận chi tiết này. Trong phần thẩm vấn diễn ra sáng nay, luật sư hỏi bị cáo Đinh Ngọc Hệ:

– Ông Thăng (bị cáo Đinh La Thăng) có giới thiệu ông với ông Minh (bị cáo Dương Tuấn Minh) không?

– Bị cáo Hệ: Không

– Ai là người giới thiệu?

– Bị cáo Hệ: Ông Lai TGĐ. Lần đầu tiên đến Tổng Công ty Cửu Long vào cuối 2003 gặp ông Minh là đi với ông Lai

– Ông biết việc bán đấu giá thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương từ đâu?

– Bị cáo Hệ: Qua thông tin trên Đài Truyền hình Việt Nam VTV1.

Được sự đồng ý của HĐXX, luật sư công bố Biên bản ghi lời khai của ông Nguyễn Xuân Ảnh (thư ký của bị cáo Thăng vào thời điểm đó, nay là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ) tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an. Tại biên bản ghi lời khai này, ông Ảnh khẳng định không giới thiệu bị cáo Đinh Ngọc Hệ với bị cáo Dương Trâm Anh để được tham gia mua quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương như lời khai của bị cáo Trâm Anh.

Ông Đinh La Thăng: “Chỉ chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu”

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, với trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ GTVT, người đứng đầu cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Bộ GTVT, bị cáo Đinh La Thăng có nghĩa vụ tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền, bảo đảm sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích và hiệu quả. Vì vậy, bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ các sai phạm của các cán bộ tại Bộ GTVT trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ, gây hậu quả thất thoát cho nhà nước hơn 725 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, luật sư Trương Trọng Nghĩa hỏi bị cáo Đinh La Thăng:

– Văn bản 217/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ (nội dung đồng ý Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) không tiếp tục đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương và dự án BOT đường cao tốc TPHCM – Trung Lương và chuyển giao nguyên trạng cho Bộ GTVT) có sai không?

– Bị cáo Thăng: Không sai.

– Ông ký văn bản 7331/BGTVT-TC gửi Thủ tướng Chính phủ (nội dung Bộ GTVT thống nhất chủ trương tiếp nhận lại Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương để tiếp tục tổ chức triển khai. Giao Tổng Công ty Cửu Long thay mặt Bộ GTVT tiếp nhận bàn giao và nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức triển khai) có sai không?

– Bị cáo Thăng: Tôi ký đúng pháp luật và đúng thẩm quyền. Quyết định số 3050/QĐ-BGTVT thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương tôi ký dựa theo sự tham mưu, ký đúng theo thẩm quyền và đúng pháp luật.

– Sau khi ông Nguyễn Văn Thể (Thứ trưởng Bộ GTVT vào thời điểm đó) trình văn bản về việc Công ty Yên Khánh vi phạm điều khoản thanh toán, ông bút phê trên tờ trình: “Đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng đã hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước”. Ông chỉ đạo như vậy có vi phạm quy định không?

– Bị cáo Thăng: Tôi bút phê đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và rõ ràng.

 Cáo trạng quy kết ông tạo tiền đề và tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát tài sản nhà nước. Ông có đồng ý không?

– Bị cáo Thăng: Như tôi đã trình bày, tôi không công nhận những gì cáo trạng quy kết vì không căn cứ, không khách quan, suy diễn. Tôi không có bất cứ hành động gì tác động để Hệ tham gia đấu giá.

 Cáo trạng quy buộc ông phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm xảy ra, ông nghĩ thế nào?

– Bị cáo Thăng: Ở Bộ GTVT, với tư cách người đứng đầu, tôi chịu trách nhiệm chung trên tất cả các lĩnh vực trước Đảng, trước Chính phủ. Nhưng tôi chỉ chịu trách nhiệm về mặt chính trị, hành chính. Tôi đã phải chịu xử lý về mặt Đảng và tôi cũng không còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT. Tuy nhiên, bắt tôi chịu trách nhiệm hình sự là không thể. Tôi hoàn toàn phủ nhận quy buộc của cáo trạng rằng tôi phải chịu trách nhiệm chính. Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương được phân cho 4 thứ trưởng lần lượt chỉ đạo. Tôi chỉ ký 1 văn bản trình Thủ tướng, 1 văn bản thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương và 1 bút phê vào văn bản của anh Thể.

Với những nội dung đã trình bày, một lần nữa bị cáo Đinh La Thăng khẳng định chỉ chịu trách nhiệm người đứng đầu. Còn trách nhiệm cụ thể từng vụ việc, từng dự án thì người phụ trách vụ việc, dự án đó phải chịu.

Chiều nay, các luật sư tiếp tục tham gia thẩm vấn.

Để làm rõ thiệt hại trong vụ án, luật sư Trương Trọng Nghĩa (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) hỏi đại diện Bộ Tài chính rằng, mức định giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương trong 5 năm là 2.004 tỷ đồng có hợp lý không. Đại diện Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản quy định về các căn cứ để xác định giá khởi điểm bán đấu giá. Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra không hỏi và Bộ Tài chính cũng không có văn bản nào khẳng định việc định giá như vậy là cao hay thấp.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng hỏi đại diện Bộ GTVT để xác định khoản tiền nhà nước thất thoát trong vụ án. Đại diện Bộ GTVT cho biết, Công ty Yên Khánh đã nộp đủ 2.004 tỷ đồng (là giá trị hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương), nhưng do Công ty Yên Khánh nộp chậm nên phát sinh lãi chậm trả. Bộ GTVT chưa biết sẽ tính thiệt hại như thế nào nên chờ phán quyết của tòa án. “Bộ GTVT sẽ tôn trọng và thực hiện theo phán quyết của tòa”, đại diện Bộ GTVT cho biết.

ÁI CHÂN – MAI HOA

Xem bản gốc báo SGGP Online tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158