“Quỹ bình ổn xăng dầu đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt”

Đã đăng vào 14/05/2019 lúc 9:23

Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ mới đây ngày 12.4, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Giá xăng dầu Việt Nam đi ngược thế giới?

Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung khiến cho giá dầu thế giới liên tục giảm trong thời gian vừa qua.

Tính đến 7h30 sáng 13.5, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 70,49 USD/thùng, giảm 12 cent. Giá dầu WTI được giao dịch ở mức 61,31 USD/thùng, giảm 27 cent, tương đương 0,4%, từ mức thanh toán trước đó.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước lại được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Xu hướng đi ngược thế giới của xăng dầu trong nước được lý giải là do việc điều chỉnh xăng dầu trong thời gian qua không thực hiện nhịp nhàng.

Để giữ được ổn định thị trường và giữ mục tiêu lạm phát dưới 4%, Liên bộ Tài Chính – Công Thương đã sử dụng đến quỹ bình ổn xăng dầu.

Đặc biệt vào thời điểm tháng 3.2019, trong bối cảnh giá điện được điều chỉnh tăng 8,36%, quỹ bình ổn xăng dầu đã được chi "kịch sàn": 2.801 đồng/lít với xăng E5 và 2.061 đồng/lít với xăng xăng RON95.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt các doanh nghiệp cho biết họ đã rơi vào tình trạng âm quỹ bình ổn lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trước thời điểm 15h00 ngày 17.4, quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex là âm 240 tỉ đồng. Theo số liệu từ Petrolimex, tính từ tháng 2.2019 đến nay, quỹ bình ổn giá xăng dầu tại đây đã sử dụng tới 2.000 tỉ đồng.

Tập đoàn PVOil cũng thông báo âm gần 500 tỉ đồng quỹ bình ổn xăng dầu.

Khi quỹ bình ổn rơi vào tình trạng âm, giá xăng tăng liên tục trong các kỳ điều chỉnh gần đây (tăng gần 5.000 đồng/lít kể từ đầu năm) và đang hướng đến ngưỡng cao nhất trong lịch sử. 

Thứ trưởng bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận trong cuộc họp báo thường kỳ của bộ (ngày 5.4) rằng không muốn tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tốt nhất là nên bỏ quỹ này đi để giá xăng dầu vận hành theo thị trường.

"Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, vẫn còn có sự điều hành của Nhà nước, nên vẫn cần thiết phải có quỹ bình ổn", Thứ trưởng Hải nói.

Hiệp hội xăng dầu lo sợ méo mó thị trường

Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ mới đây ngày 12.4, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Theo Hiệp hội, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu mang đậm tính can thiệp hành chính, làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

Để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới, hiệp hội này kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Hiệp hội tin tưởng rằng, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp đầu mối.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, với quy định này, giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh những yếu tố tác động lên giá dầu như kinh tế, địa chính trị, tôn giáo liên tục diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay.

Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng, việc giá xăng dầu chỉ được điều chỉnh 15 ngày 1 lần theo Nghị định 83 là một trong các lý do khiến giá xăng dầu trong nước không vận hành nhịp nhàng theo giá thế giới.

Hiệp hội xăng dầu đề nghị rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá. 

THUỲ DUNG

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158