QUYẾT LIỆT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP SAU DỊCH: Đẩy nhanh chuyển đổi số và điều chỉnh chuỗi cung ứng

Đã đăng vào 08/05/2020 lúc 14:21

Tiếp tục tham gia góp ý và đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động sản xuất và kinh doanh sau dịch COVID-19, đại diện nhiều doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đề xuất đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cũng như điều chỉnh hợp lý chuỗi cung ứng, xác định lại thị trường chiến lược do hiệu quả mà các hoạt động này mang lại trong thời gian qua là rất tích cực.

Công nhân một doanh nghiệp điện tử tin học tại KCN Thụy Vân, Phú Thọ. Ảnh: Nam Nguyễn

Ưu tiên cho doanh nghiệp CNTT “nội”

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lâm Nguyễn Hải Long – Chủ tịch Hội Tin học TPHCM – HCA cho hay, dù không bị ảnh hưởng nghiêm trọng so với một số ngành khác nhưng dịch COVID-19 đã tạo ra những tác động lớn tới ngành CNTT. Theo đó để hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT, TPHCM cần tiên phong, chủ động chọn một số hoạt động trong chương trình chuyển đổi số để triển khai ngay mà không nên chờ cho đến khi phê duyệt chính thức. 

Thành phố phải cung cấp nhanh một “vaccine số” để đẩy nhanh các ứng dụng CNTT trong các hoạt động kinh tế xã hội. “Vaccine số” này dựa trên 5 yếu tố.

Một là thành phố cần có cơ chế đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ số cho doanh nghiệp, ưu tiên việc đặt hàng này dành cho các doanh nghiệp CNTT nội địa nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của thành phố. Hai là, cần ưu tiên ứng dụng CNTT cho hoạt động chống dịch, đặc biệt là hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các sản phẩm, giải pháp trong nước thông qua việc tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí. Thứ ba, thành phố cần có nguồn kinh phí tài trợ đào tạo hoạt động chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Thứ tư, hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại ngay sau tình hình dịch trở nên ổn định. Thứ năm, cần có chủ trương xã hội hoá các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để mời gọi tư nhân tham gia đầu tư thay vì phụ thuộc vào các hoạt động đầu tư công như hiện nay.

Uyển chuyển thích ứng với tình hình mới

Theo Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài, dịch COVID-19 khiến cộng đồng doanh nghiêp dệt may khá bị động trong thời gian đầu, tuy nhiên khi có đầy đủ thông tin hơn về dịch, các doanh nghiệp rất nhạy bén, chủ động trong việc vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất và đảm bảo doanh thu tốt.

Chỉ trong 3 tháng dịch xảy ra, thị trường đã chứng kiến những chuyển biến dần trở nên rõ nét hơn trong các ngành sản xuất như chuyển biến về sản phẩm (doanh nghiệp may mặc quần áo dịch chuyển sang may khẩu trang, đồ bảo hộ…), chuyển biến về chuỗi cung ứng (tìm nguồn cung và thị trường thay thế…) và đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất, quản trị để vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất hiệu quả.

Một số giải pháp điển hình mà các doanh nghiệp đã áp dụng nhằm duy trì hoạt động như: Số hoá các hoạt động, tối ưu hoá chuỗi cung ứng và chi phí, chuyển hướng kinh doanh trên cơ sở xác định các mặt hàng, thị trường chiến lược, trọng tâm và đẩy mạnh công tác nghiên cứu chế tạo thử nghiệm sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Việc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mất dần vị thể là chưa xảy ra như nhận định “bóng ma COVID-19”, mà nó là một cơ hội để các doanh nghiệp nhìn nhận lại mình và nhận ra những điểm yếu, lỗ hổng trong hệ thống quản lý, hệ thống sản xuất của mình để có những giải pháp dài hạn trong thời gian tới”- Cục trưởng Trương Thanh Hoài nêu ý kiến và khẳng định: Trong thời gian tới trong năm 2020, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ Chiến lược phát triển ngành Dệt may – Da giày để có các biện pháp “tăng tốc” phát triển ngành Dệt may, da giày nhằm tận dụng tối đa cơ hội các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới, trong đó, có xác định các định hướng phát triển ngành, sự hỗ trợ của nhà nước và phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp ngành gỗ, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc – Tổ chức Forest Trends, Đại học Quốc gia Australia nhận định, để tồn tại và phát triển sau đại dịch, các doanh nghiệp cần xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược. Ví dụ các sản phẩm phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm đang chiếm 60% thị phần đồ gỗ và các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang nhanh chóng mở rộng tại Việt Nam. Đồng thời hình thành phát triển các chuỗi cung tại Việt Nam, giảm lệ thuộc vào chuỗi cung nhập khẩu từ bên ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc.

“Đặc biệt là cần chuyển đổi phương thức bán hàng sang hình thức online; song song với đó phát triển thị trường nội địa, ưu tiên gỗ rừng trồng, hợp pháp và bắt đầu tính đến chính sách mua sắm công” – TS Tô Xuân Phúc nói.

Bệ đỡ từ chính quyền địa phương

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Hưng Hùng – Chánh Văn phòng UBND TP.Hải Phòng – cho biết, trong buổi làm việc mới đây với đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng yêu cầu sở tài chính, cục thuế xem xét, rà soát các quy định để gia hạn thời điểm nộp thuế và tiền thuê đất, xem xét miễn, giảm một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong thời gian tới đây, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp, chi phí, nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải thực hiện với ngân sách nhà nước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết. Hải Phòng cũng đã xem xét để miễn giảm một số loại phí như: Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng, các loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, lệ phí đăng ký kinh doanh, lệ phí cấp phép xây dựng và các loại phí, lệ phí còn lại với tổng số tiền khoảng trên 100 tỉ đồng. Đặc biệt, thành phố cũng quan tâm đến doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn để giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp sớm sản xuất, kinh doanh ổn định. 

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước khó khăn của đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, các ý kiến đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp hiện tập trung vào 5 nhóm vấn đề gồm: Đề nghị miễn, giảm các loại thuế; đề nghị miễn, giảm các loại phí, lệ phí; đề nghị giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tập trung vào thuế xuất khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô lắp ráp, sản xuất trong nước đến hết tháng 12.2020; cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài; về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam…

Cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính chồng chéo

TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư – đưa ý kiến, trong khó khăn, các cơ quan quản lý cần phải chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Tại một số địa phương, các cán bộ, cơ quan phải cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan mình; tích cực đẩy nhanh việc xem xét, phê duyệt hồ sơ của các dự án đầu tư cho sản xuất kinh doanh còn đang tồn đọng…

NHÓM PHÓNG VIÊN

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158