Sự phát triển của công nghệ có nguy cơ biến con người thành robot

Đã đăng vào 24/07/2019 lúc 15:25

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh dù đổi mới công nghệ trong giáo dục sẽ mang lại những tiềm năng to lớn nhưng sẽ không thể thay thế được vai trò quan trọng của con người trong giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có bài phát biểu với chủ đề vai trò của công nghệ thông tin trong phát triển giáo dục và đào tạo tại Hội nghị Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 50. Ảnh: moet

Công nghệ thông tin là chìa khoá quan trọng

Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam Phùng Xuân Nhạ trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 50 (The 50th SEAMEO Council Conference) đang diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia đã nhấn mạnh tới sự thay đổi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam cho rằng, tiến trình phát triển giáo dục của mỗi đất nước đang trở nên khả thi hơn bao giờ hết nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin. Đây là chìa khóa quan trọng mở ra nhiều cơ hội cho mọi người được tiếp cận với giáo dục, học tập suốt đời và nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng đã chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong việc tận dụng công nghệ nhằm xây dựng một nền giáo dục công bằng và chất lượng, trong đó đã triển khai Cổng thông tin Trường học kết nối cung cấp bài giảng và tài liệu học tập miễn phí cho giáo viên và học sinh trên cả nước; phát triển hệ thống đào tạo giáo viên trực tuyến cho hơn một triệu giáo viên nhằm cải thiện chất lượng sư phạm, tạo đột phá về đổi mới sáng tạo trong dạy và học.

“Chúng tôi đã xây dựng hệ thống thông tin toàn ngành để phục vụ công tác thống kê dự báo và xây dựng chiến lược, đảm bảo những chính sách được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu và số liệu đáng tin cậy” – Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan triển lãm trong khuôn khổ Hội nghị. Ảnh: moet

Nhìn lại giáo dục Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học vào năm 2010 và giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được ghi nhận qua kết quả các chương trình đánh giá quốc tế như PISA, PASEC. Trong các kỳ thi Olympic khoa học quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong tốp 10 các nước có thành tích tốt nhất.

Cùng với đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề cần giải quyết như tỉ lệ bỏ học của học sinh dân tộc thiểu số vẫn cao, học sinh vẫn bị đánh giá là thiếu hụt về kỹ năng sống, áp lực từ các kỳ thi, thiếu thời gian vui chơi và rèn luyện thể lực, thách thức trong bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên.

“Đây là những vấn đề không chỉ của riêng chúng tôi mà có lẽ cũng là của các bạn. Chúng ta cần phải làm tốt hơn và đây là lúc để thay đổi” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Công nghệ không thể thay thế vai trò của con người

Khẳng định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp mang tính đột phá, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, cần sử dụng công nghệ như một công cụ để đổi mới sáng tạo, mang lại cơ hội giáo dục cho mọi người ở mọi lúc, mọi nơi. Nhờ đó chất lượng giáo dục được nâng lên, mọi người được hạnh phúc.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam cũng khuyến cáo về mặt trái của việc lạm dụng công nghệ thông tin. “Một nghịch lý là chúng ta đang cố gắng tìm các giải pháp công nghệ để khiến robot có thể hành động suy nghĩ như con người, nhưng sự phát triển của công nghệ cũng có nguy cơ biến con người thành robot.

Những vấn đề như sự thiếu hụt kỹ năng trong giao tiếp, sự vô cảm với cộng đồng, bạo lực học đường gia tăng cũng là một phần của hệ quả này. Đây là thách thức lớn của thời đại mà chúng ta cần quan tâm giải quyết”.

Hội nghị lần này nhấn mạnh tới sự thay đổi bức tranh toàn cảnh về giáo dục nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội. Ảnh: moet

Trao đổi về giải pháp của Việt Nam để giải quyết thách thức nêu trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, từ năm 2018, Việt Nam đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên sự phát triển phẩm chất và năng lực của người học, hướng tới việc giúp học sinh có những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21. Đồng thời, phát động mạnh mẽ chương trình “Trường học hạnh phúc” trên quy mô cả nước.

“Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, cho dù đổi mới công nghệ trong giáo dục sẽ mang lại những tiềm năng to lớn, công nghệ sẽ không thể thay thế được vai trò quan trọng của con người trong giáo dục. Điểm mấu chốt vẫn là chúng ta cần xây dựng môi trường học tập hạnh phúc mà ở đó công nghệ hỗ trợ người học, nuôi dưỡng yêu thương và thúc đẩy động lực học tập suốt đời” – Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

HUYÊN NGUYỄN

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158