Tại sao sân bay Tân Sơn Nhất lại tắc cả trên trời và dưới đất?

Đã đăng vào 22/08/2019 lúc 14:29

Với sản lượng hành khách vượt quá công suất thiết kế, cấu trúc của hệ thống đường lăn, sân đỗ và đường cất hạ cánh được bố trí sát nhau, sân bay Tân Sơn Nhất đã bị giới hạn năng lực khai thác và quá tải cả trên trời và dưới đất.

Ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: LĐ

Theo thống kê, sản lượng hành khách thông qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2018 đã đạt 38,5 triệu hành khách, gấp 1,5 lần và vượt xa so với công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm.

Tổng số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến bay/ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh hiện đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

Theo đại diện Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, qua nhiều đợt nâng cấp, mở rộng nhưng tính theo diện tích sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ còn 1/4 đến 1/5 so với thời kỳ năm 1975 do sự phát triển đô thị hóa.

Với diện tích có hạn và bị bao quanh bởi các khu vực dân cư đông đúc đã khiến cho sân bay Tân Sơn Nhất khó có thể triển khai thực hiện các hạng mục cải tạo, mở rộng và nâng cấp lớn liên quan đến hạ tầng đường cất hạ cánh để đáp ứng được yêu cầu hoạt động bay ngày càng tăng cao.

Cùng đó, cấu trúc hiện tại của hệ thống đường lăn, sân đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất phần nào khiến cho việc di chuyển, lăn ra vào của các máy bay từ nhà ga, sân đỗ ra đường cất hạ cánh và ngược lại gặp không ít khó khăn do tính chất bố trí phần lớn các bến đỗ nằm sát nhau theo dạng xương cá về hai bên của đường lăn và các đường lăn chính chủ yếu là đường lăn “độc đạo”.

Việc các máy bay thường xuyên gặp trì hoãn, chậm trễ trong quá trình đẩy lùi, di chuyển và xếp hàng để cất cánh trên mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu là do năng lực bị giới hạn bởi mô hình cấu trúc cơ sở hạ tầng đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ không phù hợp với tình hình mới để đáp ứng được nhu cầu hoạt động bay ngày càng cao.

Để kịp thời giải quyết vấn đề tắc nghẽn hoạt động bay trên không cũng như dưới mặt đất, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam điều tiết các luồng không lưu không vượt quá khả năng tiếp thu của sân bay và năng lực của vùng trời, sử dụng một cách tối ưu các năng lực hiện có; giảm tiêu chuẩn phân cách, giảm trị số giãn cách giữa các máy bay hạ cánh và giữa máy bay hạ cánh với máy bay cất cánh, từ đó nâng cao được năng lực thông qua của vùng trời tiếp cận cũng như của đường cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường cất hạ cánh song song, theo mô hình được xây dựng từ năm 1967 và được sử dụng theo chế độ khai thác phụ thuộc vào nhau. Tuy nhiên, do khoảng cách giữa trục tim hai đường cất hạ cánh không đáp ứng tiêu chuẩn khai thác độc lập nên chỉ cho phép duy nhất một máy bay được cất cánh hoặc hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong cùng một thời điểm.

MINH HẠNH

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158