Trung Quốc vi phạm thô bạo chủ quyền của Việt Nam

Đã đăng vào 27/08/2019 lúc 8:56

Mấy ngày sau khi rút tàu thăm dò Hải Dương 8 cùng đội tàu thuyền hộ tống ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc lại đưa số tàu thuyền ấy đi vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc gây lo ngại sâu sắc và bị lên án, phản đối mạnh mẽ hơn lần trước.

Tàu kiểm ngư KN490 của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TRƯỜNG

Thay đổi thực trạng trên Biển Đông

Mức độ lo ngại và phản đối như thế là đương nhiên và cần thiết bởi Trung Quốc lặp lại những hành động bất chấp luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông, bất chấp mọi hình thức và mức độ phản đối ở Việt Nam, trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, bất chấp mọi cảnh báo của thế giới là ý đồ và hành động như thế của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông ảnh hưởng tiêu cực và đe doạ nghiêm trọng an ninh và ổn định ở cả khu vực, chứ không chỉ đơn thuần có xâm hại rõ ràng chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc lại còn cố tình lặp lại những hành động phi pháp này đối với Việt Nam trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Những hành động như thế của Trung Quốc không phải đơn lẻ và nhất thời mà là bộ phận của chiến lược nhất quán về định hướng mục tiêu và bài bản về triển khai thực hiện nhằm hiện thực hoá tham vọng lãnh thổ thể hiện ở cái gọi là “đường 9 đoạn”. Chỉ cần nhìn vào bản đồ không thôi thì người bình thường đã có thể dễ dàng thấy được ngay cái gọi là “đường 9 đoạn” kia của Trung Quốc viển vông và vô lý như thế nào. Không phải Trung Quốc không hiểu và không biết điều ấy mà ở đây phải nói là Trung Quốc rất hiểu và rất biết điều ấy. Vì thế, Trung Quốc mới hành động theo 3 nguyên tắc chỉ đạo nhất quán được kiên định từ lâu nay là: Bất chấp luật pháp quốc tế, dùng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ để nuôi cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và từng bước dần thay đổi thực trạng trên thực địa ở khu vực Biển Đông.

Cơ sở cho việc phân định vùng lãnh thổ và lãnh hải, đường biên giới quốc gia, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa pháp lý, thềm lục địa kéo dài, không phận quốc gia và không phận quốc tế đều được quy định rõ ràng và cụ thể trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia. Không thể nói Trung Quốc không hay biết gì về những quy định cụ thể này của luật pháp quốc tế. Biết sai và phi pháp mà vẫn làm thì chỉ có thể là chủ ý với động cơ không được trong sáng và mục đích không được tốt đẹp.

Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm

Duy trì cuộc tranh chấp khiến cho khu vực này không thể có được an ninh và ổn định thật sự và bền vững, gây khó khăn có các nước khác thực hiện những dự án và kế hoạch hợp tác với các đối tác bên ngoài khai thác và tận lợi nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực vùng biển đặc quyền kinh tế hợp pháp của họ, phục vụ cho chủ ý của Trung Quốc là biến việc thực hiện tham vọng với cái gọi là “đường 9 đoạn” kia chỉ là chuyện song phương riêng giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực chứ không phải là chuyện hiện đang thấy trên thực tế là nó động chạm đến an ninh và ổn định, cũng như tự do hàng hải và hiệu lực của luật pháp quốc tế đối với cả khu vực Biển Đông và Đông Nam Á, phục vụ cho mưu tính của Trung Quốc là tạo tiền lệ và sự đã rồi để cứ dần tiếp tục như thế thay đổi thực trạng ở khu vực Biển Đông.

Giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Việt Nam rất coi trọng việc không ngừng thúc đẩy phát triển hơn nữa mối quan hệ này. Nhưng chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là đương nhiên đối với mọi quốc gia trên thế giới. Quyền của quốc gia bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia được xác định và hợp pháp hoá trong luật pháp quốc tế hiện hành.

Vì thế, cùng với việc tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc vì lợi ích của cả hai bên, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không lặp lại trong tương lai những hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở khu vực Biển Đông.

ĐẠI SỨ TRẦN ĐỨC MẬU – NGUYÊN VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI, BỘ NGOẠI GIAO

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158