Vẫn chưa đồng ý nới khung giờ làm thêm

Đã đăng vào 14/08/2019 lúc 10:19

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận định, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ; việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra

Sáng 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, liên quan đến việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) Ủy ban cho rằng, trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật; từ phía người lao động bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống; từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm. Tuy nhiên, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ; việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Ủy ban đề nghị, vấn đề này cần phải được Cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm và việc quy định thời gian phải làm thêm giờ phải theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định và phải bảo đảm các nguyên tắc như:  phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ; bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng và có cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát.

“Vấn đề này hiện nay còn có ý kiến khác nhau từ phía công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, vì vậy Ủy ban kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo”, bà Nguyễn Thúy Anh báo cáo.

Về tiền lương làm thêm giờ, do còn ý kiến khác nhau của các bên, Ủy ban dự kiến 2 phương án trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phương án 1: như dự thảo do Chính phủ trình, nghĩa là Quy định như Bộ luật hiện hành (vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%; làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm ít nhất 20%), đồng thời bổ sung thêm quy định: việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định trên thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.

Phương án 2: được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, theo đó sẽ trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết và ngày nghỉ có hưởng lương và thể hiện tại Điều 100 của dự thảo Bộ luật.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề xuất lựa chọn phương án 1.         

Về tuổi nghỉ hưu, cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ bổ sung tài liệu làm rõ những kiến nghị của Ủy ban đã nêu trong Báo cáo thẩm tra số 2032/BC-UBVĐXH14 như “bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm theo quy định”, chưa đưa ra được cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ.

ANH PHƯƠNG

(Theo SGGP Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158