Vì sao tiêm 3- 4 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu mà vẫn bị mắc bệnh?

Đã đăng vào 07/07/2020 lúc 15:48

Miễn dịch đối với bệnh bạch hầu giảm dần theo thời gian nên đối tượng người lớn và trẻ lớn mặc dù có tiền sử tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu trước đó khoảng 5-10 năm mà không được tiêm nhắc lại thì vẫn có khả năng mắc bệnh.

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: BYT

Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại một số địa phương như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, mặc dù kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia chỉ ngừng tiêm có ba tuần, nhưng thực tế tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ tại các địa bàn này rất thấp.

Các gia đình đều có tâm lý lo ngại COVID-19 nên đã không cho con đi tiêm theo đúng lịch hẹn.

Theo số liệu mới nhất từ Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới một tuổi trong năm tháng đầu năm 2020 thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (37,2%) và chưa đạt tiến độ yêu cầu là khoảng 40%.

Tỉ lệ tiêm vắc xin sởi – rubella, DPT4 cho trẻ 18 tháng tuổi lần lượt là 31,2% và 28,9%, thấp hơn năm tháng đầu năm 2019. Riêng tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu ở những địa phương đang diễn biến dịch bệnh bạch hầu phức tạp, chưa tới 50%. 

Những năm gần đây đều ghi nhận các ca mắc bạch hầu ở trẻ lớn và người lớn, hầu hết người mắc bệnh là trẻ hơn 10 tuổi và người lớn.

Đa phần ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin phòng bệnh. Trong đó, có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi nhưng vẫn mắc bệnh.

Lý giải về điều này, TS Dương Thị Hồng phân tích: Vi khuẩn bạch hầu có khả năng đề kháng cao và tồn tại không chỉ ở người mắc bệnh mà cả người lành mang vi khuẩn nên bệnh bạch hầu có thể xảy ra ở nơi chưa từng xuất hiện bệnh trước đó.

Khi chưa có kháng thể bảo vệ, mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh bạch hầu khi tiếp xúc với nguồn lây. Do đó, ở những vùng tỉ lệ tiêm chủng thấp, những trẻ nào tiêm chủng không đủ mũi, đúng lịch đều có nguy cơ mắc bệnh.

"Một điểm đáng chú ý là miễn dịch đối với bệnh bạch hầu giảm dần theo thời gian nên đối tượng người lớn và trẻ lớn mặc dù có tiền sử tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu trước đó khoảng 5-10 năm mà không được tiêm nhắc lại thì vẫn có khả năng mắc bệnh"- PGS Hồng nhấn mạnh. 

Để khống chế bệnh bạch hầu, Việt Nam đang nỗ lực duy trì tỉ lệ tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm vắc xin DPT cho trẻ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên.

THUỲ LINH

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158