Việt Nam và những cuộc đua vào tốp đầu thế giới: Kỳ tích FDI và vị thế trong 12 quốc gia thành công nhất thế giới

Đã đăng vào 17/12/2020 lúc 10:20

Nguồn lao động trẻ dồi dào song hành với một chính sách thu hút đầu tư tổng thể, thân thiện với doanh nghiệp nước ngoài, cộng hưởng với sức hấp dẫn của một nền chính trị ổn định giúp Việt Nam liên tục duy trì sức hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau hơn 30 năm đổi mới, tạo nên nhiều đột phá vượt bậc trong những năm gần đây và đưa Việt Nam vào danh sách ít ỏi những quốc gia thành công nhất thế giới về thu hút FDI.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Samsung Bắc Ninh. Ảnh: H.N

Sức hấp dẫn của nền chính trị ổn định

Bất chấp các áp lực tiêu cực và nặng nề của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đến cuối tháng 10.2020 vẫn thu hút được tới 23,5 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với con số thực hiện đạt xấp xỉ 16 tỉ USD. Mặc dù chịu mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ, song tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu 30,4 tỉ USD, bù đắp cho con số nhập siêu của khu vực trong nước và giúp cả nước xuất siêu hơn 18,2 tỉ USD. Tuy nhiên, dấu hiệu đi xuống trong ngắn hạn nằm trong làn sóng sụt giảm chung toàn cầu không làm thay đổi một thực tế rằng, Việt Nam đang tiếp tục trở thành trung tâm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của toàn cầu.

Nhật báo South China Morning Post – SCMP của Hồng Kông (Trung Quốc) trong bài báo mới đây nhận định, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam bắt đầu gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2013 có được nhờ Việt Nam liên tục thực hiện các chính sách đầu tư thân thiện với doanh nghiệp và các khu công nghiệp, cũng như có nguồn cung lao động trẻ dồi dào. Với tốc độ tăng trưởng hằng năm ổn định ở mức 10,4% trong giai đoạn từ năm 2013-2019, SCMP đánh giá Việt Nam trong thập kỷ qua trở thành một trung tâm quan trọng thu hút nguồn vốn FDI của thế giới. Dữ liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) còn cho thấy chỉ riêng trong năm 2019, tổng số vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt con số kỷ lục 38 tỉ USD, mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.

SCMP nhìn nhận, FDI hiện vẫn là nguồn vốn quan trọng đóng góp đáng kể vào sự phát triển lâu dài của nền kinh tế của các nước đang phát triển và vì thế cuộc chiến cạnh tranh về FDI sẽ còn gia tăng trong khu vực ASEAN. Nhưng riêng với Việt Nam, ngoài vị trí địa lý thuận lợi và lực lượng lao động trẻ đang là những yếu tố tạo nhiều lợi thế, không thể đánh giá thấp sức hấp dẫn của yếu tố nền chính trị ổn định ở Việt Nam. SCMP cho rằng, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia đều trải qua những biến động và bất ổn trong những năm gần đây và sẽ rất hữu ích nếu nhìn vào Việt Nam để nhận thức được tầm quan trọng của sự ổn định.

Đánh giá về sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn vốn FDI trong những năm gần đây, PGS-TS Văn Thị Thái Thu – Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhận định, cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua và ban hành vào ngày 29.12.1987 đánh dấu bước ngoặt cho việc chính thức hóa dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam. Từ chủ trương đúng đắn đó, trải qua chặng đường hơn 30 năm đến nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Những đột phá vượt bậc trong thu hút FDI giúp Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc ngay trong báo cáo năm 2017 cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong tốp 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.

Điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI

Thực tế ngoài nguồn nhân lực dồi dào, môi trường ổn định và an toàn biến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới. Nhiều nguồn tin cho biết, Công ty Inventec chuyên lắp ráp tai nghe AirPods đang chuẩn bị xây nhà máy tại Việt Nam. Sớm hơn, Foxconn – nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất iPhone, iPad – cũng đã kịp xây dựng nhà máy tại Việt Nam và Ấn Độ. Trước đó, tờ Nikkei (Nhật Bản) cũng thông tin các “ông lớn” như Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop sang Việt Nam.

Khi đưa ra những thông tin trên, ông Nguyễn Duy Phương – chuyên gia phân tích cao cấp của chứng khoán VCSC nhìn nhận, với môi trường đầu tư được khuyến khích, dân số trẻ, nền chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang tiếp tục nổi lên như một thị trường tiềm năng để đầu tư FDI. Qua thực tiễn nền kinh tế trong và ngoài nước trong bối cảnh đại dịch, việc các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm đến Việt Nam trong thời điểm này càng chứng tỏ sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có nhiều lợi thế về logistics, lao động tay nghề cao nhưng giá rẻ.

Trong khi đó, với kinh nghiệm gặp gỡ và làm việc với các nhà đầu tư thời gian qua, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cao cấp Bộ phận đầu tư của Savills Việt Nam – nhìn nhận, có thể thấy sự thành công Việt Nam trong cuộc đua vào top đầu thế giới về thu hút vốn FDI thời gian qua nhờ vào một số yếu tố. Trên hết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về vấn đề ổn định chính trị – xã hội là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Nền chính trị ổn định giúp cho Việt Nam có một nền hòa bình và thịnh vượng. Đối với việc thu hút vốn đầu tư, sự ổn định chính trị – xã hội ở Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất.

Thứ hai là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, tối ưu hoá bài toán lợi nhuận đầu tư. Trong thập niên 2010 – 2019, tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 6,3%, đây là mức tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu trên thế giới. Tỉ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, cán cân thương mại được thay đổi theo chiều hướng thặng dư, kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm gia tăng mạnh mẽ. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bứt phá trong thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Ngoài ra, những cơ sở hạ tầng tạo nên lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thể hiện ở: Hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế và vị trí giao thương quốc tế và trên hết là Việt Nam có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho việc giao thương quốc tế.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được nâng cao do Chính phủ chú trọng đầu tư vào giáo dục công. Người lao động được bồi dưỡng về văn hóa, đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn đã góp phần tăng năng suất lao động của Việt Nam. Như vậy có thể thấy, nguồn nhân lực của nước ta hiện tại có thể đem lại lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Nghị quyết 50 NQ/TW: Mở ra kỷ nguyên mới thu hút FDI

Sau hơn 33 năm, khu vực FDI đã ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27.4.2020 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Đầu tư năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 và với luật này, ngay trong ngắn hạn, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ có được tính cạnh tranh cao hơn.

Nghị quyết 50 khẳng định: Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Đặc biệt có hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.

Từ đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra yêu cầu: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.

Theo Nghị quyết, phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt một số mục tiêu định hướng chủ yếu sau: Vốn đăng ký giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 150 – 200 tỉ USD (30 – 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 200 – 300 tỉ USD (40 – 50 tỉ USD/năm).

Vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 100 – 150 tỉ USD (20 – 30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 150 – 200 tỉ USD (30 – 40 tỉ USD/năm).

Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 – 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030. M.B

BẢO CHƯƠNG – VĂN NGUYỄN

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158