Vụ pate Minh Chay có độc tố: Mới chỉ thu hồi gần 10% sản phẩm

Đã đăng vào 10/09/2020 lúc 11:02

Hàng chục người nhập viện do ngộ độc khi ăn pate Minh Chay, việc điều tra, xử lý làm quá chậm. Điều đáng lo ngại tiếp theo là trong số hàng nghìn sản phẩm của Minh Chay bán ra, cơ quan chức năng chỉ thu hồi chưa đến 10% số lượng sản phẩm.

Một nạn nhân vụ pate Minh Chay điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Kh.V

Tiếp tục có người ngộ độc

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, tính đến ngày 7.9.2020, bệnh viện đã tiếp nhận 35 người khám sau khi ăn pate Minh Chay. Hiện tại có 2 ca nặng là cặp vợ chồng 68 và 70 tuổi ở Hà Nội, người chồng vẫn trong tình trạng nặng.

Điều đáng nói là, mặc dù khi các ca ngộ độc xảy ra, từ ngày 29.8, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo khẩn cấp và các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tin dày đặc cảnh báo về độc tố trong pate Minh Chay, các trang mạng xã hội cũng đăng nhiều thông tin về vấn đề này, nhưng điều rất lạ là đến ngày 3.9 vẫn xảy ra các ca ngộ độc do ăn pate Minh Chay. Điều đáng lo ngại tiếp theo là trong số hàng nghìn sản phẩm của Minh Chay bán ra, cơ quan chức năng chỉ thu hồi chưa đến 10% số lượng sản phẩm.

Các trường hợp ăn patê Minh Chay qua kiểm nghiệm ban đầu đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Người tiêu dùng cần được bảo vệ

Được biết, tại khu vực Hà Nội, 126 cơ sở bán đồ chay đã được kiểm tra và lực lượng chức năng đã thu hồi được 141 sản phẩm từ khách hàng, trong đó có 35 sản phẩm pate Minh Chay. 35 sản phẩm pate Minh Chay này đã được bàn giao cho Phòng cảnh sát kinh tế – Công an TP.Hà Nội để phục vụ công tác điều tra tiếp theo.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự việc xảy ra từ tháng 8, nhưng đến nay đã gần 2 tuần trôi qua, công tác điều tra, xử lý vụ việc chưa được triển khai rốt ráo.

NNPTNT TP.Hà Nội vào cuộc kiểm tra, báo cáo kết quả về cục trước ngày 3.9. Tuy nhiên, đến ngày 7.9, Nafiqad vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả của Sở NNPTNT Hà Nội theo yêu cầu tại Văn bản số 1203/QLCL-CL2.

Về trách nhiệm của Công ty Lối Sống Mới (doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chay, trong đó có pate Minh Chay) ông Tiệp cho rằng: Luật pháp đã quy định rõ, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trước hết là của người sản xuất, họ là người công bố thì phải chịu trách nhiệm với công bố ấy, cơ quan quản lý nhà nước là đơn vị giám sát, xử lý khi có sai phạm. Nếu đơn vị cố tình vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Với vai trò đứng đầu một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho biết: Kết quả cuối cùng về nguyên nhân gây ra ngộ độc, cũng như từ đâu dẫn đến độc tố botulinum trong sản phẩm pate Minh Chay, cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý. Qua vụ việc này cho thấy, công tác quản lý an toàn thực phẩm cần tăng cường và thắt chặt hơn nữa, như việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, công tác hậu kiểm… Dự trữ thuốc giải độc cũng phải tính đến.

Bộ NNPTNT: Đề nghị truy xuất, sớm công bố kết quả điều tra về sản phẩm pate Minh Chay

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, ngay sau khi nhận được thông báo từ Bộ Y tế về sự cố an toàn thực phẩm nghiêm trọng do sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới nhiễm khuẩn Clostridium botulinum typ B, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có văn bản hướng dẫn Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố, Ban quản lý An toàn thực TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan chức năng địa phương triển khai kịp thời thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn; chủ động điều tra, khắc phục sự cố an toàn thực phẩm (công văn số 1203/ QLCL-CL2 ngày 1.9.2020 và số 1224/QLCL-CL2 ngày 7.9.2020).

“Hiện nay, đã có nhiều Sở NNPTNT báo cáo tình hình và kết quả phối hợp với ngành y tế về thu hồi sản phẩm, thiết lập các biện pháp tăng cường kiểm soát ATTP” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

* Theo ông Nguyễn Minh Hùng – Cục Phó Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo các đội điều tra các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối nếu phát hiện sản phẩm phải thu hồi ngay. Cục Quản lý thị trường đã ra văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc. Từ ngày 1.7 cho đến khi phát hiện vụ việc, Công ty Lối Sống Mới đã đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm thực phẩm chay với phương thức bán online chứ không có cửa hàng hay hệ thống phân phối.

* Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường thực hiện khám, phát hiện sớm ca ngộ độc thực phẩm do độc tố Bontulinum. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội giải quyết các ca bệnh ngộ độc thực phẩm theo quy định và báo cáo Sở Y tế. K.K

Người bệnh ngộ độc sau khi ăn Pate Minh Chay cần nhiều tháng hồi phục

TS BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: Theo số liệu thống kê đến ngày 7.9, Trung tâm đã tiếp nhận 35 trường hợp đến khám, sàng lọc sau khi ăn Pate Minh Chay. Trong đó, có 13 trường hợp có triệu chứng của ngộ độc nhẹ mỏi, yếu cơ.

Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với thông tin và vẫn còn một lượng sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (trong đó chủ yếu là Pate Minh Chay) vẫn đang lưu lại tại các hộ gia đình, chưa được thu hồi hết và nguy cơ gây ngộ độc tiếp.

TS BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, các sản phẩm của công ty trên đang gây ngộ độc, đặc biệt món Pate Mịnh Chay chứa các độc tố botulinum cực độc. Độc tố này chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay.

Các triệu chứng ban đầu khi khởi phát bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và các triệu chứng viêm dạ dày ruột khác, nhưng lượng độc tố ít thì triệu chứng sẽ biến mất trong vài giờ.

Đối với người bệnh bị ngộ độc, trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức. Thời gian liệt kéo dài, trung bình thời gian thở máy ở các bệnh nhân là 2 tháng, có thể lâu hơn và cần nhiều tháng để hồi phục.

Nặng hơn nữa, các triệu chứng liên quan yếu và liệt các cơ từ thân trên xuống thân dưới. Giai đoạn cuối là khó thở, rối loạn nhịp thở, tử vong ở giai đoạn này từ 30-60% do suy hô hấp.

Cũng theo TS BS Nguyễn Trung Nguyên, nếu bữa ăn cuối cùng của bạn trong vòng 8 ngày trong khi bạn chưa có biểu hiện gì bất thường, bạn cần bình tĩnh theo dõi, khi có biểu hiện bất thường thì tới cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị.

Thuốc điều trị ngộ độc botulinum chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do. Chúng không có tác dụng với độc tố đã gắn tại thần kinh. Do đó, chúng không thể lập tức đảo ngược lại các triệu chứng liệt đã xảy ra. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc diễn biến nặng và rút ngắn thời gian thở máy, hồi sức, nằm viện. Lệ Hà

KHÁNH VŨ

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158