Xuất khẩu khó khăn, cơ hội để kích cầu thị trường nội địa

Đã đăng vào 27/04/2020 lúc 9:34

Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam bước vào giai đoạn tái khởi động nền kinh tế. Đây là cơ hội cũng như là động lực để các doanh nghiệp tái cấu trúc, phát triển sản xuất kinh doanh và tìm hướng đi riêng cho mình. Đặc biệt là tập trung vào phát triển thị trường nội địa…

Chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức bình quân 714 USD/ tháng vào năm 2020 là điều kiện thuận lợi để kích cầu tiêu dùng nội địa. Ảnh: Hải Nguyễn

Cơ hội và thách thức

Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714USD/tháng vào năm 2020, đây chính là những khoảng trống và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam nâng cao và mở rộng thị phần. Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng… có thể nhận thấy doanh nghiệp phân phối của Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Về tiềm năng phát triển, thị trường phân phối của Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỉ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (trên 70%). Nhìn chung, những cơ hội và tiềm năng sẽ mang lại xung lực mới cho sự phát triển của thị trường trong nước thời gian tới, qua đó đóng góp vào sự phát triển của khu vực dịch vụ và kinh tế cả nước.

Bên cạnh đó còn có những thách thức cụ thể: Các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam (nhất là các nhà bán lẻ nhỏ và vừa hiện đang chiếm trên 90% số lượng nhà bán lẻ) phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà phân phối hàng đầu thế giới và khu vực đang thâm nhập rất mạnh thị trường Việt Nam. Cần gắn mục tiêu phát triển bền vững thị trường phân phối với bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm cho xã hội.

Để tồn tại và chuẩn bị nền tảng để phát triển trở lại sau dịch, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng hay đẩy mạnh bán hàng online. Cùng đó, một số doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, sản xuất các mặt hàng vốn vẫn được nhập khẩu để cung ứng cho thị trường nội địa.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ông Vũ Tiến Lộc, thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Khi doanh nghiệp khó khăn về thị trường tiêu thụ, việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho doanh nghiệp Việt. Vì muốn vươn ra thị trường thế giới thì các doanh nghiệp phải coi việc thực hiện kế sách “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường nội địa là quan trọng.

Tìm hướng để phục hồi

Trước mắt, để ứng phó toàn diện với các tác động của dịch COVID-19 đến thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, trong mọi trường hợp, cần phải bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân, các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa thiết yếu cần được hỗ trợ kịp thời, tránh xảy ra đứt gãy trong quá trình cung ứng, đây cần được coi là vấn đề cấp bách trong giai đoạn này.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân trong và cả sau dịch, cần phải tiếp tục có những giải pháp để khai thác triệt để những cơ hội, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp thương mại…

Một số giải pháp ngành Công Thương đưa ra để ứng phó hiệu quả, giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi và vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 cụ thể: Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành. 

Sớm chuẩn bị phương án thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu sau dịch để hỗ trợ tiêu thụ ngay khi các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; Tăng cường hỗ trợ đưa các sản phẩm nông, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam. Triển khai kịp thời và hiệu quả các Chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua hai công cụ: Kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; Tăng chi tiêu của Chính phủ thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, phát triển chợ đô thị; Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Phối hợp các bộ ngành, cơ quan liên quan và lực lượng chức năng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cung ứng thông qua phân luồng, phân tuyến lưu thông cho hàng hóa, phương tiện vận tải. Triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử  nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và các tình huống khẩn cấp.

Đặc biệt, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững. Cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối trên thị trường trong nước. Tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Trung tâm Phát triển Nguồn Nhân lực (Hội DNNVV), Chính phủ đã khoanh vùng các khu vực cần cách ly và lập các vùng sản xuất an toàn. Để kích cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm lãi vay, cho vay ưu đãi, giảm thuế thu nhập… Nhưng cần đẩy mạnh các chương trình, chuỗi hỗ trợ các doanh nghiệp như các nước trong khu vực. Làm sao đảm bảo được kết nối xúc tiến thương mại và minh bạch thông từ các thị trường. Cùng đó, bộ ngành cũng tinh giảm các thủ tục pháp lý không cần thiết tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp.

Giám đốc điều hành Economica Vietnam – ông Lê Duy Bình cũng cho rằng, đại dịch COVID-19, giúp chúng ta thêm một lần nhận rõ những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế và trong cách thức điều hành nền kinh tế và sẽ tạo ra những kháng thể mới cho kinh tế Việt Nam. Do đó, cần coi đây là cơ hội cũng như là động lực để tái cấu trúc mạnh mẽ lại nền kinh tế và nâng cao hiệu quả của công tác điều hành. Gỡ bỏ những tư duy cũ và tháo gỡ các rào cản của cơ chế, chính sách để cải cách môi trường kinh doanh.

CAO NGUYÊN – ĐẶNG TIẾN

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158