Yêu cầu miền Trung sẵn sàng ứng phó với mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt

Đã đăng vào 07/10/2020 lúc 15:07

Do mưa lớn, mực nước trên các sông ở khu vực Trung, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên đang lên. Nguy cơ lũ lớn tại khu vực này.

Mưa lớn gây sạt lở đát tại Quảng Nam. Ảnh: TC

Mưa lớn, mực nước các sông lên nhanh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 7 giờ sáng nay (7.10), mực nước trên sông Srêpôk tại Bản Đôn là 171,03m (ở mức báo động (BĐ)1).

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ và kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến ngày 11.10 ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500- 700mm/đợt;

Ông Mai Văn Khiêm thông tin về tình hình mưa lớn gây ngập lụt tại miền Trung. Ảnh: Ngọc Hà

Các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt; các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt.

Do mưa lớn, từ nay đến ngày 11.10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4,0-9,0m, hạ lưu từ 1,5-5,0m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có khả năng lên mức BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2; thượng lưu các sông và các sông suối nhỏ có khả năng lên mức BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Dự trữ lương thực ứng phó với nguy cơ ngập lụt, chia cắt

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), các địa phương cần chú ý theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân.

Các tỉnh ven biển Nghệ An đến Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và các bộ, ngành cần triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp và mưa lũ theo nội dung Công điện số 20/CĐ-TWPCTT, trong đó cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, đảm bảo an toàn.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt để sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình bị hư hỏng, đang thi công và các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ, xung yếu. Bố trí lực lượng trực vận hành hồ đảm bảo an toàn.

Rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp, chủ động thu hoạch lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch; bảo vệ các khu nuôi trồng thủy, hải sản.

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lớn gây lũ lụt ngập sâu.

VŨ LONG

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158