Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khoá VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026
Đã đăng vào 28/03/2024 lúc 15:50Sáng 28/3, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã khai mạc. Tham dự kỳ họp có ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Ngọc Thanh – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh. Chủ tọa điều hành kỳ họp gồm: ông Nguyễn Khắc Toàn; ông Trần Mạnh Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua 23 nghị quyết. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện đẩy mạnh việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2030; xác định danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh; danh mục các dự án được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc kiểm đếm xác minh nguồn gốc đất, tài sản trên đất thuộc địa bàn Khu kinh tế Vân Phong và biên chế trong các cơ quan tổ chức hành chính của tỉnh; số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã năm 2024 đối với các đơn vị hành chính cấp huyện.
Để các quyết định của HĐND tỉnh sớm phát huy hiệu quả và đi vào thực tiễn cuộc sống, ông Nguyễn Khắc Toàn đề nghị các cơ quan của HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia; Rà soát, trình cấp thẩm quyền quyết định điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân, hết nhiệm vụ chi, các dự án không có khả năng thực hiện sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn để thanh toán khối lượng thực hiện… Trong công tác quản lý biên chế và phân cấp cho các cấp, ngành và địa phương cần tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị về tinh giản biên chế, cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cần thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại và lộ trình chuyển đổi cơ chế tự chủ tài chính; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường…
Minh Trúc – Hữu Thiện