Dịch COVID-19 – biến thách thức thành cơ hội: Khẳng định năng lực y tế, cơ hội để đổi mới giáo dục
Đã đăng vào 21/03/2020 lúc 16:42Dịch bệnh COVID-19 dù gây ra những thách thức không nhỏ với nền kinh tế, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nhưng đây cũng là cơ hội để khẳng định sự đoàn kết toàn dân tộc, năng lực, sự sáng tạo của con người Việt Nam. Đặc biệt với y tế và giáo dục, lực cản mang tên COVID-19 đã được đội ngũ cán bộ y tế, hàng triệu giáo viên và học sinh trên cả nước biến thành động lực để nhìn lại mình, tận dụng thời cơ để thay đổi và phát triển.
Y tế khẳng định năng lực ứng phó với dịch bệnh
Những ngày chiến đấu với dịch bệnh cũng cho thấy năng lực của y tế Việt Nam. Chúng ta đã và đang chủ động “tự đứng trên đôi chân của mình” và thể hiện trách nhiệm, kề vai sát cánh với quốc tế trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Việc tự nghiên cứu và sản xuất ra bộ sinh phẩm test kit xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y chủ trì phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu, sản xuất là một ví dụ.
So với hàng nhập khẩu, thời gian cho kết quả của test kit do Việt Á sản xuất là tương đương, tuy nhiên giá thành của sản phẩm nội địa rẻ hơn khoảng 1/2. Việc chủ động được sinh phẩm xét nghiệm đã giúp Việt Nam nâng cao hơn năng lực ứng phó với dịch bệnh.
Xuất khẩu test kit
Đặc biệt, đơn vị sản xuất đang hoàn tất thủ tục để đưa các test kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đi 4 quốc gia, gồm Ukraina, Phần Lan, Iran và Malaysia. Đây là lô hàng đầu tiên được xuất khẩu. Suốt 1 tuần qua, cán bộ, nhân viên của Việt Á hối hả thực hiện những phần việc cuối cùng để đưa test xét nghiệm COVID-19 do Việt Nam sản xuất bước chân ra quốc tế. Đơn đặt hàng cao nhất là 150.000 test, tương đương 5.000 bộ test kit. Đây là một niềm tự hào của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng chúng ta phải xác định chính là cơ hội để y tế Việt Nam khẳng định thành quả, tính ưu việt của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh. Thực tế, hệ thống y tế dự phòng và những phương án “tác chiến” của VN trước dịch bệnh này đã được quốc tế đánh giá cao.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam – cho biết: Việt Nam đã đáp ứng rất kịp thời, rất tốt trước các sự kiện y tế công cộng. Ngay từ đầu, khi xây dựng 4 kịch bản chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, xác định từ khi có ca bệnh đầu xâm nhập cho tới trường hợp xấu nhất là dịch bệnh lây lan trong cộng đồng ở mức hơn 1.000 ca, chúng ta đều đã có các phương án ứng phó.
Thành công nhất là phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc cách ly
Điển hình như ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã trở thành cơ sở y tế tuyến huyện đầu tiên trong cả nước điều trị thành công cho 6 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bác sĩ Lưu Thị Xuân – Trưởng phòng khám – chia sẻ: “Chúng tôi xác định dịch bệnh COVID-19 cũng là cơ hội để phòng khám và cán bộ y tế thay đổi theo chiều hướng tích cực. Những ngày đầu, cơ sở vật chất, trang thiết bị rất nghèo nàn, cơ sở thì chưa có kinh nghiệm điều trị một loại bệnh mới, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khi được chỉ định là nơi tiếp nhận bệnh nhân dương tính với COVID-19, được đầu tư cả về cơ sở vật chất, kỹ thuật, chúng tôi mới sẵn sàng đáp ứng được với tình hình dịch bệnh”.
Hiện, Việt Nam cũng đã mở rộng với 30 cơ sở xét nghiệm, có thể thực hiện xét nghiệm các ca nghi ngờ, với số lượng lớn. Từ đó, giảm gánh nặng cho tuyến trên và năng lực cho tuyến dưới cũng được nâng cao. Việc khai báo y tế tự nguyện cũng được triển khai, nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ mắc bệnh, giảm thiểu lây lan ra cộng đồng. Sớm làm chủ về công nghệ, sự đồng lòng của toàn dân… chính là vũ khí giúp Việt Nam chủ động đương đầu với dịch bệnh.
Giáo dục: Thời cơ đổi mới
Còn với ngành Giáo dục, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, như tất cả các ngành khác, giáo dục cũng có những giải pháp mạnh mẽ, quyết đoán để ứng phó. Hoàn cảnh đặc biệt buộc chúng ta có cách ứng xử đặc biệt. Cả 63 tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ học, điều chưa từng xảy ra trong giáo dục ở Việt Nam. Để có quyết định này, ngành Giáo dục, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã phải rất cân nhắc. Đây cũng là một quyết định dũng cảm và nhận được sự ủng hộ của nhân dân.
Khi học sinh nghỉ dài ngày, cái lo lắng nhất của nhiều người chính là sợ không kịp tiến độ chương trình của năm học, bao gồm tất cả các cấp. Kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học cũng bị xáo trộn. Nhưng nếu nhìn xa hơn, thì thấy đây là cơ hội để ngành Giáo dục nhìn lại, quyết liệt thực hiện đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục, từ phương thức dạy học, đến cách kiểm tra, đánh giá, giảm tải chương trình.
Một buổi chiều thứ hai, Bảo Ngọc đứng nghiêm trước màn hình máy tính, tay phải đưa ngay ngắn trước thùy trán, miệng hát vang bài “Tiến quân ca”. Trên màn hình, các bạn của Ngọc cũng làm điều tương tự. Đây là tiết Chào cờ đặc biệt của học sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Gần 2 tháng qua, chiều thứ hai hằng tuần, sau tiết 5, Ngọc và các bạn đều thực hiện Chào cờ và hát Quốc ca online như thế.
Từ đầu mùa dịch, học sinh của trường vẫn học tập bình thường, mọi hoạt động diễn ra đúng như thời khóa biểu. 7h sáng hằng ngày, giáo viên chủ nhiệm sẽ điểm danh, kiểm soát sĩ số lớp, học sinh vắng mặt phải có lý do từ phụ huynh. Điểm khác nhau duy nhất giữa tiết học trong mùa dịch so với trước đây là toàn bộ hoạt động này diễn ra trên mạng.
“Vất vả hơn rất nhiều, nhưng hạnh phúc nhất là 2 tháng qua, chúng tôi đã bước qua đại dịch một cách không mấy khó khăn. Giáo viên của trường đã trưởng thành hơn, chủ động thay đổi, còn học sinh cũng tích cực hơn. COVID-19 đặt ra cho chúng tôi những thử thách, khi học sinh buộc phải nghỉ học để đảm bảo an toàn, nhưng là cơ hội để chúng tôi học hỏi và cuối cùng vượt qua nó bằng sự chủ động và sáng tạo” – cô Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành – hạnh phúc khi nhớ lại những ngày thầy trò nhà trường vượt khó.
Sáng tạo với dạy và học online
Những ngày qua, khi Bộ GDĐT chấp nhận việc dạy học online, đẩy mạnh giáo dục 4.0, thì nhà trường được nhắc nhiều với vị trí là cơ sở giáo dục phổ thông đầu tiên trên cả nước dạy học trực tuyến thành công theo thời khóa biểu trong mùa dịch. Hình ảnh giáo viên Trường Nguyễn Tất Thành ăn vội hộp cơm trưa, tận dụng mọi thời gian để tự mày mò các công cụ, phần mềm hỗ trợ học trực tuyến như Zoom, Microsoft, Teams, Jamboard… để kết nối với học sinh, cũng có thể nhìn thấy ở bất kỳ giáo viên nào trên cả nước.
Là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện dạy học trên truyền hình trong mùa dịch, theo ông Võ Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở GDĐT Đồng Nai – ban lãnh đạo của sở đã phải rất đắn đo. Phần vì lo không biết học sinh, phụ huynh có đón nhận không, phần nữa không biết giáo viên trong tỉnh có kịp thích ứng với tình hình mới. Nhưng không thể vì trường học tạm đóng cửa mà học sinh không tiếp tục học, nên cả lãnh đạo sở và những giáo viên được chọn để thực hiện dạy trên truyền hình đã có một tuần làm việc hết công suất, từ xây dựng kịch bản, tập dẫn trước máy quay để kịp phát sóng tiết học đầu tiên trên truyền hình vào 17.2.
Sau Đồng Nai, đến nay đã có trên 20 tỉnh thực hiện dạy học qua truyền hình. Từ lúc chỉ thử nghiệm với học sinh lớp 9, 12, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Nam Định, Nghệ An, Hải Phòng… và nhiều địa phương khác đã rục rịch triển khai nội dung, để mở rộng đối tượng, học sinh các cấp học khác cũng có thể học qua truyền hình.
Những ngày qua, môi trường giáo dục truyền thống, với bảng đen phấn trắng cũng được thay thế bằng những lớp học ảo, thầy trò tương tác với nhau trên không gian mạng. Một phong trào chuyển đổi phương thức dạy học đang được thực hiện đồng bộ ở các trường học trên cả nước, để kịp thời ứng phó với tình hình mới. Đây là một tín hiệu tích cực khi công nghệ thông tin được ứng dụng nhiều hơn vào trong giáo dục.
Tích cực, chủ động thì mới chiến thắng dịch bệnh
GS-TS Phạm Tất Dong – Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến Học Việt Nam: COVID-19 có thể đặt ngành Y tế, Giáo dục trước nhiều thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội để đổi mới. Bài học mà các ngành cần rút ra qua gần 2 tháng đương đầu với dịch bệnh là: Tích cực, chủ động, thì sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Với ngành Giáo dục, lúc đầu, ngành đã bị động khi tính phương án học sinh nghỉ bao nhiêu ngày thì sẽ cho học bù bấy nhiêu, mà chưa kịp thời tính đến việc áp dụng triệt để công nghệ để học tập trong tình hình mới. Vừa rồi, Bộ GDĐT đã có văn bản cho phép, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện dạy học từ xa. Tôi cho rằng đây là quyết định cần thiết trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Chủ trương đã có, việc cần nhất lúc này là nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, vì mục tiêu vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp học sinh có kiến thức. Khi nhà trường triển khai học online thì phụ huynh cũng cần tạo mọi điều kiện để con em mình có thể thích ứng, cùng nhà trường, giáo viên quản lý việc học online của con. Chúng ta phải chủ động, đồng lòng thì mới chiến thắng được dịch bệnh.
Công nhận kết quả dạy học qua internet, truyền hình là một bước tiến
Với tình hình dịch bệnh hiện tại, 63 địa phương trên cả nước đã tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng dịch. Bộ GDĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị tăng cường việc dạy, học trên internet và truyền hình với cơ sở giáo dục đủ điều kiện. Điều này có thể được hiểu, kết quả từ việc dạy học này có thể được công nhận. Phương thức dạy học từ xa đã được chấp nhận ở Việt Nam. Với việc các cơ sở giáo dục đang tích cực, chủ động triển khai, phương thức dạy học này không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch bệnh, mà mở ra một xu hướng giáo dục đào tạo bằng công nghệ thông tin cho thời kỳ 4.0. Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), ngành Giáo dục luôn cổ vũ tính chủ động, tích cực của giáo viên và phát huy năng lực, khả năng tự học của học sinh. Dạy học trên truyền hình hay trực tuyến có điểm chung là các giáo viên phải chuẩn bị rất kỹ từng bài giảng trong quá trình áp dụng công nghệ.
Để hạn chế yếu tố một chiều, nhà trường cần phát huy được vai trò đầu mối, quản lý, xây dựng kế hoạch cụ thể để kiểm soát học sinh. Giáo viên sẽ căn cứ vào lịch dạy, thông báo tới học sinh, phụ huynh và giao nhiệm vụ học tập cho học sinh cũng như nhận bài thu hoạch, ôn tập qua hệ thống mạng xã hội hoặc thư điện tử. Trường hoàn toàn có thể chủ động xây dựng phương án đánh giá kết quả học sinh một cách linh hoạt, miễn sao bảo đảm hiệu quả việc dạy và học.
Sau khi trở lại trường, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập và kiểm tra, đánh giá lại kết quả học tập, công nhận kết quả khi học sinh học từ xa. Các trường hợp học sinh bị hổng kiến thức, nhà trường cần tổ chức cho ôn tập để học sinh kịp thời bổ sung theo đúng chương trình. Đặng Chung
Quốc tế đánh giá cao công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam
Chia sẻ mới đây với truyền hình Nhân dân, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma khen ngợi Việt Nam đã phát triển bộ kit test nhanh virus SARS-CoV-2 và xuất khẩu bộ kit này sang các quốc gia khác.
Mới đây nhất, ngày 20.3, Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam công bố hai khóa học trực tuyến bằng tiếng Việt về chủ đề điều trị bệnh COVID-19 nhằm giảm thiểu việc tập trung đông người. Trong diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã thực hiện một clip để gửi tới những cá nhân, tập thể, những người hùng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Hà Liên