Bước đi tối quan trọng của ông Putin mở rộng sức mạnh Hải quân Nga
Đã đăng vào 17/11/2020 lúc 10:17Bước đi tối quan trọng của Tổng thống Putin nhằm mở rộng sức mạnh Hải quân Nga là xây căn cứ hải quân ở Sudan.
Khinh hạm Đô đốc Makarov và các chiến hạm khác tham gia lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga ở Tartus, Syria. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Ngày 16.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt việc thiết lập một trung tâm hậu cần của Hải quân Nga trên Biển Đỏ, nằm giữa Châu Phi và Châu Á, và giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng ký một thỏa thuận đã thảo luận trước đó với Sudan.
Theo RT, đề xuất thành lập một căn cứ hải quân ở quốc gia Bắc Phi mà ông Putin bật đèn xanh đã được chính phủ Nga đệ trình vào tuần trước.
Nga và Sudan ký thỏa thuận hợp tác quân sự kéo dài 7 năm vào năm ngoái và triển vọng về một trung tâm hậu cần hải quân đã được hai bên thảo luận chi tiết.
Cơ sở ở Sudan được thiết kế để đóng và sửa chữa các tàu của Nga cũng như dự trữ các nguồn cung cấp thiết yếu cho các tàu trong các nhiệm vụ kéo dài. Căn cứ sẽ được biên chế lên tới 300 nhân viên phục vụ và có thể chứa đồng thời 4 tàu chiến, bao gồm cả những tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Dự thảo thỏa thuận được thiết kế để kéo dài trong 25 năm. Sau đó, nó sẽ tự động được kéo dài trong khoảng thời gian 10 năm nếu cần.
Chính phủ Nga đã nói rằng trung tâm hậu cần ở Sudan sẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực, nhấn mạnh rằng nó sẽ hoàn toàn mang tính chất phòng thủ. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, căn cứ sẽ nằm ở thành phố Port Sudan, cảng chính của đất nước.
Căn cứ ở Sudan có thể sẽ có chức năng tương tự như căn cứ hiện do Nga vận hành ở Tartus, Syria, trên bờ biển Địa Trung Hải.
Khinh hạm Đô đốc Makarov tham gia lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga ở Tartus, Syria. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Đại tá về hưu Mikhail Khodarenok, cựu sĩ quan Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga nhận định, việc xây dựng căn cứ hải quân ở Sudan là bước quan trọng đầu tiên trong việc khôi phục sức mạnh hàng hải của Nga.
Hạm đội Nga cần một hệ thống căn cứ quân sự tốt ở nước ngoài. Trung tâm hậu cần trên bờ Biển Đỏ của Sudan là bước đầu tiên – nhưng là một trong những bước quan trọng đặc biệt.
Sudan sẽ cấp một phần đất để xây dựng căn cứ của Nga. Ngoài ra, Nga sẽ có thể sử dụng các cảng biển và sân bay của Sudan để vận chuyển vũ khí, đạn dược và bất kỳ thiết bị nào cần thiết để vận hành căn cứ và “giữ cho các tàu chiến luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ”. Theo thỏa thuận, nước sở tại sẽ không thu phí hoặc lệ phí dưới bất kỳ hình thức nào.
Đại tá Khodarenok cho hay, không sớm thì muộn, Nga sẽ phải đối mặt với thách thức khôi phục lại vị thế cường quốc hàng hải của mình, để lấy lại sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, vị thế quốc tế và sự tôn trọng. Vì vậy, Hải quân Nga cần một hệ thống căn cứ hải quân phát triển tốt trên toàn thế giới.
Nằm ở ngã tư của các tuyến đường thương mại quốc tế – các huyết mạch giao thông quan trọng đi qua trung tâm này, từ Châu Âu, qua kênh đào Suez, vào Biển Đỏ và Ấn Độ Dương, và xa hơn nữa sang Châu Á và Châu Đại Dương – một căn cứ ở Sudan sẽ giúp Nga cải thiện đáng kể việc tiếp cận Ấn Độ Dương.
Điều đó có nghĩa là sẽ có nghĩa là an ninh tốt hơn cho các tuyến đường biển chiến lược ở nhiều nơi trên các đại dương thế giới, mở rộng hợp tác quân sự – chính trị và quân sự – kỹ thuật với các nước trong khu vực. Căn cứ hậu cần mới của Nga ở Sudan chỉ là bước đầu tiên, nhưng là một trong những bước quan trọng đặc biệt.