Châu Âu bắt đầu ngần ngại với sứ mệnh bảo vệ Ukraina

Đã đăng vào 14/04/2025 lúc 16:31

Kế hoạch triển khai lực lượng bảo vệ Ukraina thời kỳ hậu xung đột hiện mới có 6 nước thể hiện sự sẵn sàng, chỉ chiếm 1/5 số quốc gia có ý định tham gia.

Anh cho biết sẵn sàng triển khai quân đội đến Ukraina. Ảnh: AFP

RT đưa tin, trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng của khoảng 30 nước châu Âu thuộc “liên minh tự nguyện” diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào tuần trước, phần lớn các thành viên vẫn tỏ ra ngần ngại đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào, dù trước đó được cho là sẵn sàng tham gia vào kế hoạch triển khai quân tới Ukraina trong thời kỳ hậu xung đột.

Một quan chức châu Âu giấu tên tiết lộ, cho đến nay, mới chỉ có 6 quốc gia bao gồm Anh, Pháp, Estonia, Lithuania, Latvia và một nước chưa được nêu rõ danh tính cam kết huy động hàng nghìn binh sĩ tới Ukraina để giám sát hòa bình, một khi đạt được lệnh ngừng bắn với Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông John Healey, tuyên bố tại cuộc họp rằng kế hoạch đang được phát triển một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng và bài bản, đồng thời khẳng định lực lượng của London hoạt động tại Ukraina sẽ là “một cơ chế an ninh đáng tin cậy”.

Ông Healey nhấn mạnh, quân đội Anh sẽ hiện thực hóa điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cam kết: “Một nền hòa bình bền vững cho Ukraina”.

Tuy nhiên, một số thành viên khác đã công khai bày tỏ lo ngại về sứ mệnh được cho là tiềm năng này, khẳng định sẽ không tham gia, dù kế hoạch đang dần được cụ thể hóa.

]

Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: Xinhua

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans cho rằng nhóm này cần có sự tham gia của Mỹ, mặc dù Washington nhiều lần khẳng định không có ý định gửi quân tới Ukraina dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo ông Brekelmans, đến nay ông vẫn chưa nắm rõ mục tiêu cũng như nhiệm vụ cụ thể của sứ mệnh nói trên. Kế hoạch thậm chí còn chưa đưa ra kịch bản ứng phó trong trường hợp căng thẳng với Nga leo thang.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cũng tuyên bố nước này chưa thể đưa ra cam kết khi còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Ông nhấn mạnh kế hoạch cần xác định rõ bản chất sứ mệnh và vai trò của từng quốc gia tham gia: “Gìn giữ hòa bình, răn đe hay trấn an?”, ông đặt câu hỏi.

Trước đó, vào cuối tháng 3, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết cuộc gặp giữa các lãnh đạo quốc phòng được kỳ vọng sẽ mở rộng sự ủng hộ đối với kế hoạch thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraina.

Trong khi đó, Thủ tướng Keir Starmer – người được cho là cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dẫn đầu sáng kiến – từng khẳng định sẽ có hơn 30 quốc gia châu Âu sẵn sàng triển khai quân đội đến Ukraina trước khi cuộc họp diễn ra.

Về phần mình, Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên đưa quân tới Ukraina với bất kỳ lý do nào, đặc biệt phản đối sự hiện diện của các lực lượng NATO tại đây.

Tháng trước, cựu Tổng thống Nga kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh, ông Dmitry Medvedev tuyên bố, bất kỳ lực lượng “gìn giữ hòa bình” nào của NATO xuất hiện tại Ukraina sẽ đồng nghĩa với một cuộc chiến trực tiếp giữa khối này và Nga.

BÙI ĐỨC

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Bà Thái Thị Lệ Hằng - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158