Cục diện quyền lực lại xáo trộn
Đã đăng vào 10/06/2024 lúc 16:08Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm nay kéo dài từ ngày 6 đến ngày 9.6. Hơn 373 triệu cử tri trong 27 thành viên EU được kêu gọi đi bầu 720 vị dân biểu của EP.
Nghị viện mới sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới cho cả EP và EU. Cho nên cục diện quyền lực mới trong EP mới sẽ quyết định đường hướng chính sách cho EP và EU trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Hà Lan là nơi bầu cử đầu tiên, rải rác một vài thành viên EU tiếp theo sau và đại đa số các nước thành viên EU tiến hành bầu cử trong ngày Chủ nhật, 8.6.
Trước ngày diễn ra cuộc bầu cử EP năm nay, dư luận chung ở châu Âu và trong EU gần như đều cho rằng, cuộc bầu cử EP năm nay có ý nghĩa định mệnh đối với EU, có nghĩa là sẽ quyết định tương lai của EU.
Có hai lý do đưa đến đánh giá chung này. Lý do thứ nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng phái chính trị và lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở nhiều quốc gia thành viên EU. Phe này lại còn liên minh, liên kết với nhau chặt chẽ hơn.
Ở cuộc bầu cử EP năm nay, phe này chưa thể có được kết quả bầu cử cao áp đảo những đảng phái và phe cánh chính trị khác, nhưng nhiều khả năng sẽ trở thành một lực lượng chính trị đáng gờm trong EP, sẽ không những chỉ gây khó cho ban lãnh đạo mới của EP và EU mà còn có thể sẽ làm đảo ngược không ít quyết sách quan trọng lâu nay của EU và buộc các phe cánh, đảng phái chính trị khác trong EP phải thỏa hiệp.
Lý do thứ hai là EU đang trực diện nhiều vấn đề nan giải và thách thức lớn như tăng trưởng kinh tế trì trệ, bảo vệ khí hậu trái đất trở nên càng cấp thiết, xung đột ở Ukraina giữa Nga và Ukraina động chạm trực tiếp đến an ninh trên châu lục và trật tự hòa bình, ổn định trên châu lục trong tương lai.
Kết quả bầu cử EP ở Hà Lan và mọi dấu hiệu đều cho thấy phe cánh các đảng phái cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa sẽ có được tỉ lệ phiếu bầu cao và gia tăng được quyền lực trong EP mới, nhưng về cơ bản thì các đảng phái chính trị ở khu vực quang phổ chính trị trung tâm vẫn sẽ chiếm đa số và nhờ đó mà EP cùng với EU duy trì được sự ổn định chính trị quyền lực tương đối.
Kết quả cuộc bầu cử EP năm nay không gây ra cú sốc lớn nhưng sẽ gióng lên hồi chuông báo động và cảnh tỉnh cho cả EP lẫn EU. Nó không gây bi quan lớn về tương lai của EU nhưng nhắc nhở EU phải gấp rút đoàn kết thống nhất nội bộ và thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất các cuộc cải cách thể chế đã được đề ra nhưng không được triển khai thực hiện nhất quán và triệt để. Nó sẽ buộc EU không thể bước nhanh hơn trong chuyện thu nạp thêm thành viên mới. Nó đồng thời cũng còn làm cho EU thêm khó khăn và phức tạp trong việc quyết tâm hậu thuẫn Ukraina về chính trị, tài chính và quân sự để Ukraina không những không bị thua Nga mà còn đánh thắng Nga trong cuộc chiến ở Ukraina.
Bức tranh chính trị mà diễn biến và kết quả cuộc bầu cử EP năm nay đưa lại báo hiệu nhiều điều bất lành hơn là điều tốt lành cho EP và EP. Thời kỳ khó khăn đối với EU xem ra vẫn còn tiếp tục chứ chưa thể sớm kết thúc.
Xem bản gốc báo Lao Động tại đây