NATO hứng chịu hàng loạt chỉ trích từ Mỹ
Đã đăng vào 27/02/2025 lúc 15:09Chính quyền Washington cho rằng, NATO là nguồn cơn của cuộc xung đột Nga – Ukraina và khiến Mỹ tiêu tốn quá nhiều tiền để hỗ trợ quốc phòng cho khối này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố NATO là nguyên nhân của xung đột Nga-Ukraina. Ảnh: AFP
RT đưa tin, ngày 26.2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Ukraina nên từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, thừa nhận điều này có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột với Nga.
Trước đó, ông Trump nhiều lần đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm vì đã ủng hộ Kiev tham gia vào khối quân sự do Mỹ dẫn đầu. Tổng thống Trump khẳng định, nếu khi đó ông vẫn đương nhiệm thì xung đột đã không xảy ra.
Quan điểm này được ông Trump nhấn mạnh sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và tiếp tục nhắc lại trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 26.2.
Tuyên bố về việc Ukraina nên từ bỏ tham vọng gia nhập NATO được đưa ra sau khi ông Trump được hỏi về nhượng bộ nào sẽ xuất hiện trong thỏa thuận hòa bình giữa Mátxcơva và Kiev. Tổng thống Mỹ tiết lộ, Nga cần phải có một số nhượng bộ nhưng không nói rõ đó là gì.
Ông Trump cũng là người tán thành phát biểu trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, người khẳng định Ukraina phải chấp nhận rằng việc khôi phục lãnh thổ như giai đoạn trước năm 2014 là không khả thi. Ông Hegseth cũng nhấn mạnh, tư cách thành viên NATO của Kiev sẽ không còn là lựa chọn.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov hoan nghênh bình luận của ông Trump về NATO, công nhận ông Trump hiểu lập trường của Mátxcơva và bày tỏ mong muốn đạt được hòa bình lâu dài.
Nga nhiều lần khẳng định xung đột xảy ra do NATO mở rộng về phía biên giới của nước này và bác bỏ mọi lệnh ngừng bắn tạm thời, nhấn mạnh chỉ có một giải pháp lâu dài mới có thể chấm dứt chiến sự.
Trong một diễn biến khác của ngày 26.2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington không thể tiếp tục trợ cấp quân sự cho NATO.
Theo lập luận của ông Rubio, Washington đang phải sử dụng tiền thuế của người dân Mỹ để tài trợ cho ngân sách quốc phòng của các đồng minh thuộc NATO khi nhiều nước thành viên “không có quân đội hoặc quân đội của họ không đủ năng lực vì đã 40 năm không chịu đầu tư”.
Chính quyền Mỹ hiện tại cho biết, một số quốc gia thành viên giàu có ở Tây Âu chỉ chi từ 1% đến 1,5% GDP cho quốc phòng. Ông Rubio cảm thấy điều này là không công bằng với Washington.
BÙI ĐỨC
Xem bản gốc báo Lao Động tại đây
