Bắt Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn thì có lấy lại đất, thu hồi dự án BT ở Nha Trang?
Đã đăng vào 01/03/2024 lúc 10:15Bộ Công an vừa thông tin đã bắt ông Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn (tức Hậu Pháo) – để phục vụ điều tra, làm rõ hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu gây thiệt hại tài sản nhà nước… Người dân tỉnh Khánh Hòa rất quan tâm đến số phận các dự án BT chậm tiến độ ở Nha Trang.
Các dự án BT dù chưa hoàn thành nhưng Tập đoàn Phúc Sơn đã phân lô bán nền gần hết các khu “đất vàng” được giao hoàn vốn tại sân bay Nha Trang. Ảnh: Hữu Long
Tập đoàn Phúc Sơn là nhà đầu tư được tỉnh Khánh Hòa giao thực hiện loạt dự án xây mới một số tuyến đường, nút giao kết nối sân bay Nha Trang (cũ), dự án đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội và dự án nút giao thông Ngọc Hội theo hình thức hợp đồng BT từ năm 2016.
Tổng vốn đầu tư 3 dự án BT này trên 3.300 tỉ đồng. Khánh Hòa đã dùng một phần trong số 238,82ha quỹ đất thu hồi sân bay Nha Trang cũ từ Bộ Quốc phòng để thanh toán các dự án BT cho Tập đoàn Phúc Sơn.
Trong đó, tỉnh Khánh Hòa đã cắt 62,3ha từ đất sân bay để giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án Khu trung tâm đô thị – dịch vụ – tài chính – du lịch Nha Trang, giao 5,49ha cho dự án BT nút giao thông Ngọc Hội…
Hình thức BT, thực ra là cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”. Ban đầu, hạ tầng thường là một con đường nào đó và đất đem đổi lại là đất hai bên đường.
Nhưng các dự án BT này ở Nha Trang, phần lớn là đường giao thông, cầu vượt… để kết nối khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang mà chính Tập đoàn Phúc Sơn được giao đất, cho thuê đất để đầu tư.
Giá trị của hạ tầng và giá trị đất đai đem ra đổi chác mù mờ, thiếu cơ sở pháp lý trong thực thi. Vì vậy, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đã phát hiện nhiều sai phạm. Năm 2022, Trung ương đã đề nghị tỉnh Khánh Hòa truy thu gần 12.000 tỉ đồng từ Tập đoàn Phúc Sơn. Tuy nhiên, chưa được doanh nghiệp thống nhất, nên vẫn treo nợ.
Cả 3 dự án BT liên tục chậm tiến độ. Dù cam kết của doanh nghiệp đến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng, nhưng nay mới thực hiện xấp xỉ 50%. Tỉnh Khánh Hòa nỗ lực đòi tiền chênh lệch giá trị sử dụng đất so với hạ tầng BT thì nhà đầu tư chưa chấp nhận.
Sử dụng tài sản công là đất đai để thanh toán cho các nhà đầu tư phần lớn đều bất cập, sai phạm. Kết quả kiểm toán chuyên đề việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT giai đoạn 2014-2018 từng được Kiểm toán Nhà nước công bố, chỉ ra hàng loạt sai phạm ở Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Khánh Hòa.
Đổi đất lấy hạ tầng xuất hiện từ lâu, khi ngân sách các địa phương còn hạn chế để phát triển đường giao thông. Nhưng sau đó đã tiếp biến, chuyển đổi dưới nhiều hình thức, tên gọi khác nhau và để lại nhiều hệ lụy. Phương thức BT cũng nhiều lần bị "khai tử", rồi bị chấm dứt năm 2021, nhưng hậu quả vẫn còn đang để lại rất nặng nề ở nhiều địa phương cả nước.
Dư luận đang rất quan tâm, đặc biệt là người dân Khánh Hòa cần được biết, sau khi bắt chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn thì 3 dự án BT ở TP Nha Trang có tiếp tục triển khai? Bao giờ mới hoàn thành, đưa vào sử dụng? Đất đã bán tại khu đô thị mới trên nền sân bay Nha Trang cũ có lấy được "sổ đỏ"?… Nếu không, nhà nước có thu hồi lại dự án BT, có lấy lại đất ở sân bay cũ đã giao cho Tập đoàn Phúc Sơn?… Nhiều câu hỏi cần được tỉnh Khánh Hòa làm rõ.
THANH HẢI
Xem bản gốc báo Lao Động tại đây