Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Chuẩn bị kỹ để không bị đội vốn, chậm tiến độ
Đã đăng vào 26/11/2024 lúc 10:10Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là Bộ GTVT có những giải pháp gì để hạn chế nguy cơ tăng tổng mức đầu tư và chậm tiến độ.
Lường trước các nguy cơ
Bộ GTVT vừa cho biết, đã nhận được khá nhiều ý kiến đề nghị đánh giá nguy cơ tăng tổng mức đầu tư, đội vốn, chậm tiến độ của dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) tương tự như một số dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM trong thời gian qua. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án được tính theo quy định của pháp luật về xây dựng và các điều kiện kinh tế vĩ mô ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, do dự án thực hiện trong thời gian dài (khoảng trên 10 năm), nên tổng mức đầu tư có thể biến động. Các yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng tới dự án là: thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn… Các yếu tố chủ quan cũng được xác định là: việc thay đổi quy hoạch, chính sách, chỉ số giá, triển khai giải phóng mặt bằng chậm, nguồn vốn bố trí không đáp ứng, công nghiệp đường sắt ở trong nước chậm phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm cơ khí chưa cao làm tăng giá sản phẩm đầu vào…
Các chuyên gia tư vấn đã tính toán và đưa các yếu tố này vào phần chi phí dự phòng của dự án. Trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, tính toán tổng mức đầu tư dự án bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với công nghệ, quy mô đầu tư dự án.
Hình ảnh đường sắt tốc độ cao (ảnh AI tạo)
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) Vũ Hồng Phương cũng cho biết, đơn vị tư vấn đã xem xét kinh nghiệm từ thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM thời gian qua. Các vấn đề được lường trước và sẽ có giải pháp khắc phục là: tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và các nhà thầu do hợp đồng chưa chặt chẽ; dự án lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam nên sự am hiểu của cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tư vấn ở trong nước còn lúng túng, dẫn đến dự án chậm tiến độ và đội vốn…
Doanh nghiệp đường sắt phải chủ động
Theo Bộ GTVT, tiến độ khởi công dự án ĐSTĐC vào năm 2027 và cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035 là một thách thức lớn. Một trong những yếu tố quan trọng để dự án được hoàn thành, khai thác đúng tiến độ là sự chuẩn bị của các doanh nghiệp trong nước, trong đó các doanh nghiệp đường sắt đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), hiện doanh nghiệp có 33 cơ sở trực thuộc tham gia vào ngành công nghiệp đường sắt. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu sửa chữa, thay thế cho hệ thống đường sắt hiện hữu trong nước.
Gần đây, Tổng công ty ĐSVN đã tích cực làm việc với các đối tác nước ngoài về phát triển công nghiệp đường sắt, hướng tới thành lập liên doanh về công nghiệp đường sắt. Trong giai đoạn trước mắt, ngành đường sắt đặt mục tiêu sẽ cải tạo, xây dựng các cơ sở chế tạo, lắp ráp đầu máy, toa xe, sản xuất phụ tùng thay thế với tỷ lệ nội địa hóa 40%-60%.
Xe lửa Bắc – Nam di chuyển trên đường sắt song song với trục đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng
Trong giai đoạn tiếp theo, liên doanh sẽ phát triển mạnh các đoàn tàu tự hành, tập trung phát triển công nghiệp đóng mới toa xe, sản xuất phụ tùng, vật tư đường sắt cung cấp cho tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu. Đây là những bước đi tự chủ đầu tiên, hướng tới mục tiêu tham gia sâu hơn vào việc trở thành nhà cung ứng vật tư, phụ tùng cơ khí cho dự án ĐSTĐC, cũng như các tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM và Hà Nội.
Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt, một doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí đường sắt, cũng khẳng định sẽ đầu tư công nghệ phục vụ ĐSTĐC. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, đây là dự án rất lớn, mỗi doanh nghiệp cần tập trung vào thế mạnh của mình, đầu tư nâng cao năng lực để làm tốt hạng mục mình có thể tham gia, đồng thời có sự phối hợp tốt với các nhà thầu khác cùng đẩy nhanh tiến độ dự án.
Về nhân sự, ông Hoàng Năng Khang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN cho biết, doanh nghiệp đang tái cơ cấu, xây dựng mô hình quản lý để phù hợp việc vận hành khai thác ĐSTĐC. Dự kiến, dự án cần khoảng 13.800 nhân lực. Tổng công ty ĐSVN đang giao Trường Cao đẳng Đường sắt liên kết với các đối tác nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực này.
Sự chuẩn bị sớm của các doanh nghiệp trong ngành đường sắt sẽ là động lực để kéo các doanh nghiệp khác cùng vào “cuộc chơi lớn” xây dựng dự án ĐSTĐC trên trục Bắc – Nam.
Xem bản gốc báo SGGP Online tại đây