Hà Nội phải xử lý triệt để 4 tồn tại kéo dài
Đã đăng vào 21/04/2020 lúc 10:52Phát biểu tại buổi làm việc sáng 20.4 với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội nỗ lực vươn lên hoàn thành các mục tiêu đặt ra theo kế hoạch của năm nay.
Toà nhà 8B Lê Trực là một trong bốn công trình phải xử lý triệt để theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Cường Ngô
Quyết liệt, đồng bộ, sốc tới hơn nữa
Tinh thần Thủ tướng đặt ra đối với Hà Nội là quyết liệt, đồng bộ, sốc tới hơn nữa, khơi thông những mạch nguồn ách tắc để tháo gỡ phát triển. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh đến thế giới, cả nước và Hà Nội, Thủ tướng nêu một số yêu cầu đối với Hà Nội từ nay đến cuối năm. Trước hết, Hà Nội phải thực hiện công tác phòng, chống dịch gương mẫu nhất, đạt kết quả tốt nhất. Thủ tướng biểu dương lãnh đạo Thành phố và chính quyền các cấp đã hết sức nỗ lực, cương quyết trong công tác này, đồng thời yêu cầu tiếp tục làm tốt hơn nữa thời gian tới.
Song song với nhiệm vụ chống dịch, năm nay Hà Nội phải cố gắng hoàn thành các mục tiêu cơ bản theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, gồm cả tăng trưởng, giải quyết việc làm, thu ngân sách, đóng góp vào các mục tiêu cả nước trong năm nay. Bởi thực tế quý I vừa qua, kinh tế của Thành phố chỉ tăng trưởng chưa đến 4%, trong khi Hà Nội là trung tâm kinh tế quan trọng của cả vùng Thủ đô và cả nước. Quyết liệt, đồng bộ, sốc tới hơn nữa, khơi thông những mạch nguồn ách tắc để tháo gỡ phát triển là điều mà Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội cần thực hiện.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ Đại hội Đảng các cấp, tạo dấu ấn mạnh mẽ đối với cả nước trong quá trình tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, do tác động của dịch COVID-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra. Trong đó, kinh tế chỉ tăng trưởng 3,72%, chỉ hơn một nửa so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng trưởng 3,72% là nhờ duy trì tăng trưởng của ngành công nghiệp-xây dựng trong tháng 1 và 2, thời điểm chưa chịu tác động của COVID-19. Thu ngân sách chưa bị ảnh hưởng do nhiều khoản thu chuyển từ quý IV năm ngoái chuyển sang quý I năm nay.
Một số lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có cơ hội phát triển như: Sản phẩm công nghiệp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin; sản xuất nông nghiệp giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nhưng ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và vẫn có cơ hội phát triển trong năm nay.
Hà Nội dự báo và xây dựng một số kịch bản…
Trước bối cảnh đó, Hà Nội dự báo và xây dựng một số kịch bản cho các tình huống cụ thể để đạt mục tiêu cao nhất như kế hoạch đề ra của năm nay, đó là tăng trưởng 7,5%. Kịch bản thứ nhất, kết thúc giãn cách toàn xã hội vào 22.4 hoặc 3.5 năm nay, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7.2020.
Kịch bản thứ hai là dịch bệnh COVID-19 cơ bản được khống chế trong quý II nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.
Kịch bản 3: Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong. Quý II không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Từ dự báo các tình huống đó, Thành phố Hà Nội ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên và chi đột xuất trong giai đoạn dịch COVID-19.
Lưu ý Hà Nội xử lý 4 tồn tại kéo dài
Kết luận cuộc làm việc với TP.Hà Nội kéo dài gần 4 tiếng rưỡi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Hà Nội xử lý 4 tồn tại kéo dài. Một là, ở Đồng Tâm, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới. Thứ hai là vấn đề dự án 8B Lê Trực, cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.
Đối với công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6.2020. Tồn tại nữa cần khẩn trưởng xử lý dứt điểm là vấn đề mương Phan Kế Bính.
Nhấn mạnh việc giải quyết những tồn tại và đồng thời tập trung phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tiên trong mục tiêu kép là tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, tính mạng, cuộc sống của người dân. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn.
Lắng nghe các ý kiến của Hà Nội
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng dự họp lắng nghe các kiến nghị của Hà Nội để đưa ra các giải pháp, tạo thuận lợi giúp Thủ đô phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, phải có sự tin tưởng và giao nhiệm vụ để UBND thành phố trực tiếp xử lý công việc, dưới sự chỉ đạo, giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới rất khó khăn, tác động mạnh đến nước ta và Hà Nội, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải vươn lên và Hà Nội cũng phải vươn lên mạnh mẽ, làm gương cả nước, là đầu tàu phát triển cả nước. Một tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội phải được quán triệt một lần nữa trong xử lý các vấn đề cụ thể.