Hôi của có thể bị xử lý hình sự
Đã đăng vào 02/10/2024 lúc 10:31Từ sự việc được cho là hôi của trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, theo luật sư, người có hành vi này có thể bị xử lý hình sự mức phạt từ 6 tháng đến 20 năm tù.
Thông tin trên mạng xã hội cho rằng có tình trạng "hôi của" sau vụ tai nạn trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Ảnh: Mạng xã hội
Như Lao Động đưa tin, hôm 30.9, mạng xã hội chia sẻ rộng rãi thông tin "bất lực trước cảnh hôi của" khi xe chở hàng không may gặp tai nạn tại km83 cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thuộc địa phận huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Vụ việc được xác định xảy ra đêm 29.9.
Người này phản ánh, mặc dù tài xế đã "hô khàn cổ xin đừng lấy" nhưng vẫn có rất đông người dân địa phương bất chấp băng qua đường cao tốc để vác các bao tải đựng lân, đạm về nhà. Mỗi bao lân, đạm này có giá trị 1,2 triệu đồng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, nếu có hành vi chiếm đoạt tài sản của tài xế như tài khoản trên mạng xã hội đăng tải thì rất đáng lên án, rất đáng chê trách.
Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh để làm rõ có việc "hôi của" hay không đồng thời làm rõ danh tính của những người lao vào chiếm đoạt tài sản của tài xế, số tài sản là hàng hóa bị mang đi.
Luật sư Khuyên nhấn mạnh, hôi của là hành vi lợi dụng lúc người khác xảy ra tai nạn ngoài ý muốn để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc, tài sản của người đó một cách công khai. Đây là dấu hiệu của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Đối với vụ việc trên, nếu đủ căn cứ cho rằng nhiều người hôi của từ chiếc xe chở hàng gặp tai nạn thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà các đối tượng này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, người có hành vi “hôi của” có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi”, theo khoản 1, Điều 15, Nghị định 144/2021.
Trường hợp hành vi của những người hôi của đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì có thể sẽ bị xử lý về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 172, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tội danh này quy định người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175, 290 Bộ luật Hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Những người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp tài sản chiếm đoạt có trị giá 500 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt cao nhất lên đến 12-20 năm tù.
QUANG VIỆT
Xem bản gốc báo Lao Động tại đây