Sửa Luật Thủ đô, kỳ vọng giao thông đô thị Hà Nội sẽ như Tokyo, Nhật Bản
Đã đăng vào 08/11/2023 lúc 14:31Việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được cho là sẽ giúp huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, từ đó tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông của TP Hà Nội.
Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: T.Vương
Băn khoăn vấn đề nguồn lực
Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685.000 ôtô các loại), chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại Thủ đô.
Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông và kết cấu hạ tầng dẫn đến quá tải và ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Hậu quả gây ra là mức độ phát thải lớn, ô nhiễm môi trường cho Thủ đô.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải – cho rằng, một trong những giải pháp cốt lõi để giảm phương tiện giao thông cá nhân là phát triển vận tải hành khách công cộng một cách đồng bộ.
Theo Quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội có 20 đô thị các loại. Để kết nối các đô thị, TP Hà Nội cần có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km, 3 tuyến tàu điện một ray và 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT) trong tương lai.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là nguồn lực. Theo tính toán, để phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần hơn 888.623 tỉ đồng. Hiện tại, chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị đang vận hành khai thác là tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông, 4 tuyến đã có cam kết về thu xếp vốn còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và chưa có kế hoạch về nguồn vốn.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, tổng giá trị vốn đầu tư dự kiến để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 là khoảng 321.484 tỉ đồng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, tại Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28.2.2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội). Ảnh: T.Vương
Tuy nhiên, với cách thức và thực trạng triển khai hiện nay, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, việc hoàn thành gần 600 km đường sắt đô thị còn lại, trong đó Thủ đô 400 km và TP Hồ Chí Minh gần 200km trong vòng 12 năm tới là khó khả thi, “nếu không muốn nói là bất khả thi về triển khai thực hiện cũng như huy động nguồn lực”.
Tầm nhìn dài hạn và phát triển đô thị bền vững
Từ kinh nghiệm thế giới, để giải quyết vấn đề nêu trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường cho rằng, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn và phát triển đô thị bền vững, kết hợp giữa vai trò chủ đạo của Nhà nước với nguồn lực, sự sáng tạo khu vực tư nhân để tạo sức sống cho giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển.
“Việc thay đổi cách làm, phương thức đầu tư tuyến đường sắt đô thị hiện nay là rất cần thiết. TOD là lối đi, hướng ra để giải quyết bài toán khó giao thông đô thị cho cả 2 TP” – đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu quan điểm.
Các chuyên gia cho rằng, cần có quy định về thực hiện các dự án TOD nhằm mục tiêu huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông của TP Hà Nội.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
"Với các phương thức thu hút đầu tư hiệu quả, kỳ vọng giao thông đô thị Hà Nội sẽ có bước phát triển đột phá, bộ mặt giao thông thay đổi rõ rệt, hạ tầng hiện đại như Tokyo, Nhật Bản" – đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn TP Hà Nội) nêu kỳ vọng.
Trong đó, để có thể có thêm nguồn vốn để đầu tư cho các tuyến đường sắt còn lại, một giải pháp chính sách của dự thảo luật là triển khai các dự án TOD.
Dự thảo luật quy định dự án TOD là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô. TP Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD; tiền thu được sẽ đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông kết nối với đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.
VƯƠNG TRẦN – PHẠM ĐÔNG
Xem bản gốc báo Lao Động tại đây
