Thêm cơ chế hỗ trợ thúc đẩy độ phủ sóng trạm sạc xe điện
Đã đăng vào 27/09/2024 lúc 10:11Người dùng chuyển từ xe xăng sang sử dụng xe điện ngày càng nhiều. Do đó, nhu cầu trạm sạc cũng trở nên bức thiết hơn, đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ và chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam.
Nhu cầu trạm sạc đang ngày càng trở nên bức thiết, đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam. Ảnh: Vinfast
Nhu cầu chuyển đổi sang xe điện ngày càng lớn
Trong một cuộc khảo sát được Vero thực hiện vào năm 2023, người tiêu dùng Việt Nam đều đồng ý quan điểm xe điện là phương tiện thân thiện với môi trường khi không có khí thải, góp phần giảm thiểu lượng khí thải nhà kính và các chất gây ô nhiễm so với các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong (ICE) truyền thống. Có đến 2/3 trong số 91 người tham gia khảo sát (bao gồm nam và nữ có độ tuổi từ 18-54) cho biết lý do họ tìm hiểu và cân nhắc mua xe, phần lớn họ cho rằng, bảo vệ môi trường là động lực mua hàng chính của họ. Trong khi đó, 69% người tham gia khảo sát cho rằng, chi phí vận hành xe điện thấp hơn so với phương tiện chạy bằng nhiên liệu.
Kết quả nghiên cứu gần đây của NielsenIQ cũng cho thấy, sự tương đồng với kết quả khảo sát từ Vero, khi 55% người tiêu dùng tại Việt Nam đánh giá cao tính bền vững mà xe điện mang lại, trong khi 24% đang tích cực theo đuổi lối sống bền vững hơn để tiết kiệm tiền.
Theo Hiệp hội Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) dự báo đến năm 2028 Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040. Điều này cho thấy thị trường xe điện đang bước vào thời kỳ nở rộ và có thể sẽ sớm “bùng nổ” chỉ trong một vài năm tới. Do đó, nhu cầu trạm sạc đang ngày càng trở nên bức thiết, đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam.
Theo khảo sát, hiện nay ở Việt Nam, VinFast là cái tên lớn nhất hiện sở hữu hệ thống trạm sạc trải khắp 63 tỉnh thành, 125 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, quy hoạch 150.000 cổng sạc với công suất đa dạng lên đến 360kW.
Gần đây, Công ty Cổ phần Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-Green đã công bố triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền, mang đến cơ hội tham gia kinh doanh trạm sạc cho tất cả các chủ sở hữu mặt bằng trên toàn quốc. Mô hình "doanh nghiệp và nhân dân cùng làm" này được kỳ vọng sẽ giúp nhanh chóng phủ sóng trạm sạc trên khắp Việt Nam và mở ra một ngành nghề kinh doanh mới đầy tiềm năng trong tương lai.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy tốc độ xây dựng trạm sạc
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển trạm sạc còn hạn chế tại Việt Nam như hãng phải tự bỏ tiền xây dựng với chi phí đắt đỏ, dẫn tới thời gian hòa vốn rất lâu hay số lượng xe điện chưa thực sự bùng nổ để tạo sức hút cho các nhà cung cấp trạm sạc. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác mang tính xã hội và vĩ mô về mặt chính sách.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế – cho biết, ở Việt Nam, hệ thống trạm sạc mới chỉ bắt đầu hình thành gần đây, trong khi nhu cầu sử dụng xe điện đang tăng lên để đáp ứng mục tiêu Net zero vào năm 2050. Trong khi đó, hành vi người tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng xe điện và xe máy điện, nhờ các ưu đãi về giá cả và lợi ích về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, số lượng trạm sạc hiện nay chưa nhiều.
"Để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống trạm sạc xe điện tại Việt Nam, cần sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ hiệu quả từ phía Nhà nước. Các chính sách này sẽ giúp giải quyết các thách thức về mặt bằng, nguồn điện, chi phí và tạo nên môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống trạm sạc, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện tại Việt Nam.
Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ như bắt buộc các dự án nhà ở trung cấp, cao cấp và nhà ở xã hội phải có nơi đỗ xe và trạm sạc xe điện. Ưu tiên về việc thuê đất, giá thuê đất và các điều kiện khác để phát triển trạm sạc. Đảm bảo cung cấp điện ổn định và đáp ứng nhu cầu phát triển của trạm sạc. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp cho việc xây dựng các trạm sạc" – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
Trong một cuộc họp gần đây, liên Bộ Công Thương và Khoa học & Công nghệ đã thống nhất quan điểm về xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện, sẽ sớm báo cáo Chính phủ để phân nhiệm cho các bộ, ngành liên quan. Cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện hoàn chỉnh, bao gồm cơ sở hạ tầng điện, cơ sở hạ tầng điều khiển và liên lạc, cổng sạc và giắc cắm đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau.
Ông Phạm Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương – tin rằng, cơ sở hạ tầng trạm sạc điện đầy đủ với công nghệ sạc nhanh sẽ hỗ trợ việc sử dụng xe điện trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy giao thông xanh và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
TUYẾT LAN
Xem bản gốc báo Lao Động tại đây