TPHCM: Khánh thành nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam
Đã đăng vào 30/08/2024 lúc 15:03Với công suất 469.000m³/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng sẽ là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam đến thời điểm này.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường; Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Ono Masuo; Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) Sugano Yuichi; cùng đại diện các sở, ngành nhấn nút khánh thành nhà máy. Ảnh: QUỐC HÙNG
Ngày 30-8, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM tổ chức lễ khánh thành công trình mở rộng mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (thuộc Dự án cải thiện môi trường nước TPHCM, giai đoạn 2, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM).
Đến dự và cắt băng khánh thành có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường; Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Ono Masuo; Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) Sugano Yuichi; cùng đại diện các sở, ngành và đông đảo người dân địa phương.
Tổng thể Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Ảnh: QUỐC HÙNG
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường thay mặt chính quyền và nhân dân TPHCM trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, cảm ơn JICA đã luôn hợp tác, đồng hành, hỗ trợ thành phố trong bố trí nguồn vốn vay ODA; cũng như trong công tác triển khai dự án, chuyển giao công nghệ, huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và hình thành các dự án hợp tác mới giữa thành phố và JICA.
Thành phố cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các sở ngành và các quận, huyện nơi triển khai dự án đã chung tay, góp sức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa dự án về đích.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đề nghị, Chính phủ Nhật Bản và JICA tiếp tục hợp tác, đồng hành, hỗ trợ thành phố triển khai thành công Dự án cải thiện môi trường nước thành phố (giai đoạn 3) và tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ODA cho các dự án giao thông, môi trường mới trong lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ, để lưu vực này mang đậm dấu ấn về hợp tác phát triển giữa TPHCM và Nhật Bản, trở thành một biểu tượng về tình hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.
Để Dự án cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 2 phát huy hiệu quả, đồng chí Bùi Xuân Cường đề nghị, chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp JICA xin ý kiến bộ, ngành Trung ương xử lý dứt điểm các vướng mắc của dự án.
Cùng với đó, phối hợp thực hiện tốt công tác vận hành Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1, giai đoạn 2; hoàn tất các thủ tục với Bộ TN-MT về kết quả vận hành 6 tháng đầu tiên và chuyển sang giai đoạn vận hành ổn định theo quy định.
Khẩn trương đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 3, phấn đấu khởi công trong năm 2026 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2030.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, thành phố luôn xem trọng việc bảo vệ môi trường, tăng cường mảng xanh, xử lý rác thải, nước thải, cải tạo kênh rạch, cải thiện cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh, rạch.
Thành phố phấn đấu đến năm 2030, thu gom và xử lý 100% lượng nước thải sinh hoạt tại 12 lưu vực thoát nước, với tổng khối lượng khoảng 3 triệu m3/ngày; thu gom xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế 100% khối lượng rác thải trên địa bàn thành phố.
Việc đưa Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng vào vận hành sẽ nâng tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải của thành phố từ 20,6% lên thành 40,8%, dự kiến đạt 71,3% vào năm 2025 sau khi đưa Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè với công suất 480.000m3/ngày vào hoạt động.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM Lương Minh Phúc cho biết, dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được thi công từ năm 2015 đến năm 2020 và một số gói thầu tiếp tục thi công đến nay. Nhà máy có công suất 469.000m3/ngày, lớn nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.
Khi nhà máy vận hành, toàn bộ hệ thống nước thải sinh hoạt trong khu vực trung tâm thành phố có tổng diện tích 3.000ha, với khoảng 3,4 triệu dân sẽ được thu gom xử lý tại đây, không xả trực tiếp ra kênh. Như vậy, việc ô nhiễm kênh Tàu Hủ – Bến Nghé sẽ được xử lý.
Nhà máy không chỉ là nơi xử lý nước thải mà còn được quy hoạch với hơn 10ha cây xanh, là trung tâm huấn luyện đào tạo quan trắc môi trường.
Dự án cải thiện môi trường nước TPHCM, lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 11.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản thông qua JICA là 9.850 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 1.450 tỷ đồng.
Dự án với mục tiêu hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, giải quyết tình trạng ngập tại các điểm ngập trong lưu vực; nạo vét, cải tạo các tuyến kênh Tàu Hủ, Bến Nghé, Kênh Ngang số 1, 2, 3 và một phần kênh Hàng Bàng.
Đồng thời thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trong lưu vực; nâng công suất trạm bơm Đồng Điền và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng từ 141.000m3/ngày của giai đoạn 1 lên thành 469.000m3/ngày.